Theo ông Dmitry Shugaev, đây là con số rất quan trọng, một bước "đột phá thực sự". Ông cho biết văn kiện đặt nền móng và nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang tiến hành đàm phán cung cấp giấy phép sản xuất hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga và dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã ký thỏa thuận sản xuất tại Ấn Độ phụ tùng cho kỹ thuật quân sự và vũ khí. Ông Dmitry Shugaev cũng nhấn mạnh rằng năm ngoái, bất chấp sức ép nặng nề từ phía Mỹ, Ấn Độ đã đặt hàng Nga hệ thống tên lửa phòng không S-400, các chiến hạm thuộc Dự án 11356, cũng như lô hàng lớn đạn được trang bị cho lực lượng không quân, hải quân và bộ binh.
Đề cập đến vấn đề thanh toán trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và phương Tây siết chặt vòng vây cấm vận, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự LB Nga khẳng định: “Trong bối cảnh Nga bị trừng phạt, việc thanh toán trong thương mại song phương với Ấn Độ gặp phải một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, đến nay hai bên đã giải quyết ổn thỏa và vấn đề này không còn ý nghĩa nữa trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta thực sự mang tính chất chiến lược và đặc biệt ưu tiên, phát triển tiến tới dựa trên cơ sở hữu nghị, cùng có lợi. Chúng tôi nhất trí duy trì chặt chẽ các cuộc tiếp xúc cá nhân và công tác”. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm trong bầu không khí hữu nghị và cởi mở lãnh đạo hai nước đã thảo luận những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, đồng thời hoạch định những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện trong thời gian tới. Một gói thỏa thuận lớn giữa các tập đoàn và liên bộ vừa được ký kết bao trùm nhiều phương hướng khác nhau giúp mở rộng hơn nữa mối quan hệ nhiều mặt Nga - Ấn Độ. Trong đó tập trung ưu tiên vào các vấn đề thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 11 tỷ USD năm 2018 lên 30 tỷ USD vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này lãnh đạo hai nước đã phê chuẩn “Chiến lược phối hợp hành động quy mô lớn giữa các bộ ngành”. Theo đó, các rào cản trong môi trường đầu tư sẽ bị loại bỏ, thúc đẩy các dự án liên doanh lớn cùng có lợi trong những lĩnh vực ưu tiên, tăng cường hợp tác khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới. Lãnh đạo Nga và Ấn Độ cũng nhất trí tiếp tục sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán song phương. Giải pháp này cũng được xem là cú hích quan trọng giúp lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Ấn Độ và Nga như năng lượng - kỹ thuật – quân sự tiếp tục gặp hái được thành công trong thời gian tới. Tổng thống Putin cũng nhất trí nhanh chóng khởi động đàm phán về khu vực thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á – Âu. Nếu khu vực thương mại tự do này được thành lập sẽ tạo được bước đột phá trong quan hệ giữa Moskva và New Dehli.
Đề cập đến các vấn đề quốc tế, Tổng thống Putin khẳng định Moskva và New Delhi có lập trường về các vấn đề quốc tế gần gũi hoặc trùng khớp. Nga và Ấn Độ đang phối hợp chính sách đối ngoại trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương chủ chốt trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Hai bên cũng đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong vấn đề bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Á, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Về phần mình, Thủ tướng Narendra nhấn mạnh rằng cá nhân ông và Tổng thống Putin đã nỗ lực nâng quan hệ song phương lên tầm cao hợp tác mới dựa trên cơ sở tin cậy và quan hệ đối tác. Những thành quả đạt được trong nhưng năm gần đây không chỉ tăng về số lượng mà còn cả chất lượng. Mối quan hệ đối tác ưu tiên đặc biệt đáp ứng lợi ích nhân dân hai nước, và chắc chắn sẽ được bổ sung nguồn năng lượng mới sau chuyến thăm lần này khi một loạt thỏa thuận hợp tác được ký kết.