Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ theo hình thức trực tuyến, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, trên thế giới, ASEAN được xem như một ví dụ điển hình về chủ nghĩa khu vực, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa thành công. Chủ đề năm nay “Chúng tôi quan tâm, Chúng tôi chuẩn bị, Chúng tôi thịnh vượng” trong vai trò chủ tịch của Brunei đã tóm tắt một cách ngắn gọn triển vọng của ASEAN. Ông bày tỏ tin tưởng chủ đề này cũng áp dụng theo cách tương tự cho quan hệ đối tác của Ấn Độ và ASEAN.
Ngoại trưởng Jaishankar khẳng định việc ASEAN được dư luận rộng rãi xem là nền tảng của cấu trúc kinh tế và chiến lược đang phát triển của khu vực lớn hơn cũng là bằng chứng về sự thành công của khối này. Các sáng kiến do ASEAN dẫn đầu đã tạo ra sức hút của khối trên nhiều lĩnh vực. Ấn Độ cam kết ủng hộ một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thịnh vượng, một ASEAN có vai trò trung tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đánh giá đầy đủ. Sự hội tụ mạnh mẽ giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) do Ấn Độ đề xuất bổ sung thêm một khía cạnh khác cho quan hệ đối tác đương đại giữa hai bên.
Ngoại trưởng Ấn Độ lưu ý, mối quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN bắt nguồn từ lịch sử và được củng cố nhờ sự gần gũi về vị trí địa lý. Kết hợp lại, đây là những yếu tố có thể giúp hai bên đạt được tầm nhìn về một Ấn Độ và ASEAN “kết nối hơn”. Điều này tất nhiên sẽ đòi hỏi hai bên thực hiện một loạt sáng kiến chuyên biệt tạo nên cốt lõi của chương trình nghị sự hợp tác song phương. Năm 2022 sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN. Hai bên đã nhất trí kỷ niệm dịp quan trọng này như là Năm Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ. Ông kêu gọi hai bên làm việc cùng nhau để đạt được thành công lớn trong vấn đề này.
Phát biểu trên mạng Twitter sau hội nghị, Ngoại trưởng Jaishankar đánh giá cuộc họp diễn ra “thực chất và hiệu quả”. Tại cuộc họp, Ấn Độ đã kêu gọi đẩy nhanh các dự án kết nối khu vực với các thành viên của ASEAN, trong đó có tuyến đường cao tốc ba bên với Myanmar và Thái Lan và dự án vận tải quá cảnh Kaladan. Ngoài ra, ông Jaishankar lưu ý phía Ấn Độ tin rằng việc sớm rà soát lại hiệp định thương mại về hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ giúp đạt được tiềm năng thương mại thực sự giữa hai bên. Quá trình rà soát lại dự kiến sẽ bao gồm các vấn đề như thủ tục hải quan, trao đổi dữ liệu và tự do hóa thương mại hơn nữa.
Ông đồng thời khẳng định Ấn Độ tin rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đặt ra “khuôn khổ pháp lý được chấp nhận đối với tất cả các hoạt động hàng hải”. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ ủng hộ sáng kiến hội nhập ASEAN thông qua các sáng kiến về tăng cường năng lực và cũng đóng góp thông qua khuôn khổ hợp tác Mekong-Sông Hằng và các dự án tác động nhanh. Ông Jaishankar cho biết thêm Ấn Độ ủng hộ đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và hoan nghênh việc bổ nhiệm đặc phái viên về nước này.