Giá dầu tăng là một nhân tố khiến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ suy giảm. Các sản phẩm xăng dầu chiếm hơn 25% tổng giá trị nhập khẩu của Ấn Độ trong năm ngoái, một tỉ lệ cao hơn bất kỳ một nền kinh tế lớn nào trên thế giới. Khi dầu thô thường xuyên đứng ở mức giá trên 100 USD, liệu nguồn dầu giá rẻ của Nga sẽ là lựa chọn phù hợp với Ấn Độ?
New Delhi cho đến thời điểm này vẫn thể hiện quan điểm trung lập, không lên tiếng phản đối, chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bất chấp phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga. Ấn Độ cũng từ chối yêu cầu của Mỹ về ngừng mua dầu của Nga, cho rằng không nên chính trị vấn đề nhập khẩu năng lượng.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lớn của Nga cũng đã bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, Mỹ chặn phần lớn các giao dịch của Nga bằng đồng USD và điều này khiến trao đổi thương mại giữa Nga và Ấn Độ gặp khó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/3 đã tới New Delhi và một trong những điểm chính trong chương trình nghị sự của ông trong chuyến thăm này là tìm ra cách thức phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ.
Các công ty dầu mỏ, khí đốt của hai nước vẫn đang duy trì và đẩy mạnh hợp tác. ONGC Videsh (OVL), một công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC), đang theo đuổi ba dự án tại Nga. Còn tập đoàn Dầu khí Rosneft (Nga) hiện nắm 49% cổ phần tại Nayara Energy – một công ty có trụ sở ở Mumbai, đang vận hàng 6.000 trạm xăng dầu ở Ấn Độ và sở hữu một tổ hợp lọc dầu lớn ở bang Gujarat.
Tuy nhiên, trao đổi thương mại dầu mỏ song phương còn hạn chế. Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ, chỉ có 1% nhập khẩu dầu mỏ trong năm 2021 của Ấn Độ là từ Nga. Rào cản chủ yếu là yếu tố xa cách về địa lý, chứ không phải khúc mắc chính trị. Ấn Độ vẫn nhập khẩu dầu mỏ của Iran – quốc gia bị Mỹ trừng phạt, đến hết năm 2019. Giao dịch, vận chuyển dầu mỏ giữa hai nước thuận lợi, với cung đường ngắn qua Ấn Độ Dương. Ngược lại, giữa Nga và Ấn Độ không có tuyến vận tải đường bộ trực tiếp, còn đường biển thì có khoảng cách xa.
Trong vài tuần gần đây, truyền thông Ấn Độ đăng tải thông tin chi tiết về các thỏa thuận mua bán dầu thô giữa các công ty dầu mỏ nhà nước của Ấn Độ với đối tác Nga. Tập đoàn dầu mỏ Hindustan (HPCL) và Indian Oil được cho là đã đặt mua từ Nga lần lượt 2 triệu thùng và 3 triệu thùng dầu, với thời hạn giao hàng trong tháng 5 tới.
Tập đoàn lọc hóa dầu Mangalore cũng tìm cách ký hợp đồng mua 1 triệu thùng dầu từ Nga. Nhiều hãng khác của Ấn Độ cũng có bước đi tương tự. Tổng số lượng dầu mỏ nhập khẩu theo hợp đồng mua mới dự kiến vào khoảng 15 triệu thùng. Con số này chỉ tương đương với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu 3 ngày tại Ấn Độ, nhưng là tín hiệu cho thấy mối quan hệ thắt chặt hơn giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ.
Thách thức lớn nhất hiện nay là phương thức thanh toán. Để mua dầu thô từ Iran - nước bị Mỹ, châu  cấm vận từ năm 2011, New Delhi sử dụng Uco Bank, ngân hàng nhà nước của Ấn Độ có chi nhánh đặt ở Singapore, Hong Kong và Tehran và nhờ đó nằm ngoài lưới trừng phạt của phương Tây. Nhưng lần này Singapore đã áp dụng quy định cấm giao dịch với phía Nga, nên Ấn Độ không thể thanh toán hợp đồng mua dầu qua Uco Bank.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang tìm kiếm các lựa chọn khác. Một trong số đó là khả năng lựa chọn SPFS, hệ thống thanh toán mà Nga xây dựng để thay SWIFT nhằm thực hiện các giao dịch xuyên biên giới, né được các quy định cấm giao dịch bằng đồng USD mà Mỹ và châu Âu dựng lên. Một giải pháp khác là mở tài khoản bằng đồng rupee cho các nhà xuất khẩu Nga để thực hiện giao dịch theo hình thức hoán đổi.
Thách thức nằm ở chỗ thương mại Nga-Ấn hiện mất cân bằng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga chưa bằng 1/2 giá trị nhập khẩu từ Nga. Cụ thể, Ấn Độ xuất khẩu 3,3 tỉ USD hàng hóa sang Nga vào năm 2021, chủ yếu là dược phẩm, chè, cà phê và nhập các sản phẩm trị giá 6,9 tỉ USD của Nga, bao gồm vũ khí và hàng hóa quốc phòng, tài nguyên khoáng sản, phân bón, kim loại, kim cương và các loại đá quý khác. Điều này dẫn đến các nhà xuất khẩu Nga phải nắm giữ lượng rupee nhiều hơn so với mong muốn.