Tham dự hội nghị có Tổng thống Brazil Jair Bolsanaro, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos cùng nhiều quan chức cấp cao các nước thành viên BRICS.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: "BRICS đã đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm qua. Ngày nay, chúng ta là một tiếng nói có ảnh hưởng đối với các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Diễn đàn này cũng đóng vai trò hữu ích trong việc tập trung vào các ưu tiên của các quốc gia đang phát triển. Chúng ta phải đảm bảo rằng BRICS hoạt động hiệu quả hơn trong 15 năm tới. Chủ đề mà Ấn Độ lựa chọn cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình "BRICS 15 năm: Hợp tác nội khối vì sự liên tục, gắn kết và đồng thuận" đã phản ánh ưu tiên này".
Khối BRICS bao gồm 5 quốc gia đang phát triển lớn nhất trên thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), chiếm 41% dân số toàn cầu, 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 16% thương mại của thế giới.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về cải cách hệ thống đa phương, chống khủng bố, sử dụng công cụ kỹ thuật số và công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tăng cường giao lưu nhân dân. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về tác động của đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác hiện nay, trong đó có tình hình ở Afghanistan.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới và vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến an ninh của khu vực và thế giới.
Liên quan đến đại dịch COVID-19, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho rằng "nỗ lực tập thể trong việc ứng phó với COVID-19 đã chứng minh những điều có thể đạt được khi các nước làm việc cùng nhau. Là các quốc gia BRICS, chúng ta phải tiếp tục bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường tính bền vững của các hệ thống công".