Ấn Độ có cơ hội để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, nhưng cần thực hiện các chương trình cải cách theo dự định và mở cửa đầy đủ hơn nữa với thế giới. Đó là nhận định của bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong trả lời phóng vấn báo “the Times of India” ngày 16/3 nhân chuyến thăm Ấn Độ.Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo bà Lagarde, Ấn Độ thực sự là một điểm sáng với tiềm năng phát triển kinh tế nhiều hứa hẹn. Chính vì vậy, Ấn Độ cần nắm lấy cơ hội để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Những số liệu vừa được cập nhật về GDP cho thấy hoạt động kinh tế của Ấn Độ phát triển mạnh, với mức tăng trưởng có thể đạt hơn 7% trong tài khóa 2014-2015; tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống khoảng 5%; thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (CAD) cũng giảm và đồng rupee ổn định kể từ cuối năm 2013. Tất nhiên, Chính phủ Ấn Độ cần hành động nhiều hơn nữa, cần tăng cường ổn định tài chính, trong đó có việc cải thiện chất lượng chi tiêu và đầu tư công. Ngoài ra, kinh tế Ấn Độ sẽ phải mở cửa đầy đủ hơn đối với thế giới và tạo điều kiện để loại bỏ những rào cản trong nước đối với phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ và phát triển điện lực.
Bà Lagarde nhấn mạnh, đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cải cách luật lao động sẽ khuyến khích thanh niên tìm kiếm việc làm và khuyến khích phụ nữ tham gia lao động; sửa đổi luật đất đai và các vấn đề khác sẽ góp phần tăng cường đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy kinh tế tiến triển theo hướng này sẽ giúp Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng cao và ổn định.
Tổng Giám đốc IMF đánh giá, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi và Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI-Ngân hàng Trung ương) Raghuram Rajan đã khéo léo chuyển trọng tâm sang quản lý kinh tế vĩ mô tốt, điều hành minh bạch và phát triển toàn diện. Bà Lagarde hoan nghênh những sáng kiến táo bạo của Chính phủ Ấn Độ, trong đó có sáng kiến kiềm chế lạm phát, chiến dịch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) và tăng cường ổn định về tài chính.
Theo bà Lagarde, Ngân sách năm 2015 đã đạt được sự cân bằng hợp lý về tăng trưởng, chú trọng vào phát triển hạ tầng công. Cải cách chương trình trợ cấp đang mang lại hiệu quả những vẫn còn những lựa chọn khó khăn ở phía trước, bởi giới chức Ấn Độ tìm cách tạo thêm “không gian tài chính” cho những chi tiêu được ưu tiên cao của họ. Lĩnh vực tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng và Chính phủ đang tập trung đúng hướng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Có vẻ một con đường cải cách rộng lớn đã được thiết lập và hiện cần phải theo đuổi để thành công nối tiếp thành công.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc IMF, không thể làm ngơ trước những nguy cơ dễ tổn thương đối với Ấn Độ về luồng vốn, khi Mỹ điều chỉnh chính sách tiền tệ và các nước tiên tiến ngừng nới lỏng định lượng tiền tệ. Ấn Độ đã chuẩn bị tốt hơn các nền kinh tế đang nổi khác nhằm đối phó với bất kỳ cú sốc nào như vậy từ bên ngoài. Thâm hụt tài khoản vãng lai giảm, dự trữ ngoại tệ tăng và GDP dự kiến tăng cao hơn, sẽ giúp Ấn Độ đối phó với những tình huống này.
Mức tăng trưởng kinh tế đạt trung bình hơn 7% trong hai thập niên qua đã góp phần giảm nghèo đói tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hơn 250 triệu người Ấn Độ vẫn sống dưới ngưỡng nghèo đói; khoảng cách chênh lệch thu nhập tại Ấn Độ giữa các bang và giữa nông thôn với thành thị đã tăng lên. Các chính sách trợ cấp cần thiết để giúp người nghèo thường mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu. Nghiên cứu của IMF cho thấy Ấn Độ cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, sự kết hợp giữa chi tiêu xã hội với ổn định tài chính vĩ mô, tập trung kiềm chế lạm phát và giảm đói nghèo; tăng lực lượng lao động lành nghề thông qua giáo dục có thể giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn. Bà Lagarde cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phu nữ trong phát triển kinh tế và cho rằng Ấn Độ cần đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động.
Về kinh tế toàn cầu, Tổng Giám đốc IMF nhận định, mặc dù có lực đẩy từ sự xuống giá mạnh của dầu mỏ, kinh tế thế giới dự kiến chỉ tăng khoảng 3,5% trong năm nay và nhích lên 3,7% vào năm tới. Triển vọng tăng trưởng của các nước và các khu vực sẽ khác nhau. Tăng trưởng tại các nền kinh tế tiên tiến đã phục hồi, đặc biệt tại Mỹ và Anh. Trong khi đó, khu vực đồng Euro và nhu cầu nội địa của Nhật Bản, nhất là lĩnh vực tư nhân và đầu tư, chưa phục hồi đầy đủ. Các thị trường đang nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4,5% trong năm nay và nhích lên chút ít vào năm tới. Trong số các thị trường đang nổi và so với cả các nền kinh tế tiên tiến thì Ấn Độ là điểm sáng.
Minh Lý (P/V TTXVN tại New Delhi)