Cung cấp vaccine COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ ra khắp thế giới là một phần trong chính sách ngoại giao vaccine của Thủ tướng Narendra Modi nhằm cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Nhưng làn sóng dịch thứ hai quá thảm khốc đã không chỉ làm đình trệ chính sách ngoại giao của New Delhi mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia trông đợi vào nhập khẩu vaccine ở châu Á – Thái Bình Dương.
Adar Poonawall, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết: “Chúng tôi đã xuất khẩu 60 triệu liều vaccine từ tháng 1 đến cuối tháng 2, có lẽ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Sau đó, làn sóng thứ hai ở Ấn Độ ập đến, và chúng tôi phải tập trung tất cả nguồn lực và vaccine cho người dân Ấn Độ vì đó là nơi cần thiết nhất."
Ấn Độ là cường quốc vaccine, thông thường có khả năng cung cấp khoảng 60% tổng nguồn cung toàn cầu. Trước khi ngừng xuất khẩu vào tháng 4, họ đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vaccine COVID-19 cho hơn 90 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Myanmar. Nhưng đại dịch trong nước đã làm trật bánh những kế hoạch tốt nhất.
Khi các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày của Ấn Độ tăng đáng báo động vào tháng 4, nhu cầu trong nước đối với vaccine cũng tăng vọt. Sự bùng nổ này chủ yếu do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã lan rộng ra hơn 80 quốc gia. Vào đỉnh điểm của đợt thứ hai trong tháng 5, Ấn Độ đã chứng kiến hơn 400.000 ca lây nhiễm hàng ngày.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã yếu của Ấn Độ quá tải với tình trạng bệnh nhân tử vong vì thiếu ôxy. Các lò hỏa táng và các khu chôn cất vật lộn để xử lý thi thể nạn nhân COVID-19.
"Chúng tôi đã nhận tiền tài trợ trước, chúng tôi phải trả lại khoản tài trợ đó, và giải thích với các nhà lãnh đạo thế giới rằng thực sự không có lựa chọn nào khác vào lúc này, chúng tôi cần hỗ trợ đất nước mình trong vài tháng và sẽ liên hệ lại với các bạn", ông Poonawalla nói.
Khi Ấn Độ chiến đấu với làn sóng thứ hai, chính phủ của Thủ tướng Modi đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số trưởng thành trên 940 triệu người vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa sản xuất vaccine phải chuyển hướng sang mục tiêu quốc gia.
Cuộc khủng hoảng y tế ở nước này đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Nhưng hôm 8/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi vẫn khẳng định: “Trọng tâm hiện tại của chúng tôi là tiếp tục tập trung vào sản xuất trong nước hướng tới chương trình tiêm chủng nội địa của Ấn Độ”.
Khi nguồn cung của Ấn Độ ngừng hoạt động, các quốc gia như Bangladesh, Nepal và Sri Lanka bắt đầu tìm đến Nga và Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống. Moskva và Bắc Kinh cũng bắt đầu cung cấp nhiều vaccine hơn, cho các khách hàng ở Đông Nam Á và các khu vực khác.
Tính đến ngày 20/7, Ấn Độ ghi nhận 31,17 triệu ca bệnh với trên 414.500 ca tử vong, và đã sử dụng khoảng 406,5 triệu liều vaccine. Pankaj Jha, Giáo sư về các vấn đề chiến lược tại Đại học O.P. Jindal Global, nói rằng hiện tại Ấn Độ có thể là "nước đóng góp vào nguồn cung cấp vaccine nhưng không thể là người thống trị."
Ông nhận định, Ấn Độ có 300 công ty sản xuất vaccine, có thể mở rộng quy mô sản xuất "trong tích tắc", nhưng điều đó không thể xảy ra cho đến khi họ được phép sản xuất một số loại vaccine mà Mỹ và các nước khác ở phương Tây đã phát triển. "Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế cũng rất quan trọng nếu họ muốn Ấn Độ đáp ứng nhu cầu của thế giới”, Giáo sư Jha nói.
Năng lực sản xuất cũng quyết định bao lâu nữa Ấn Độ mới có thể tiếp tục xuất khẩu vaccine, sau khi đã đáp ứng cam kết trong nước. Năng lực sản xuất hàng tháng của Viện Huyết thanh Ấn Độ đạt 90 triệu liều trong tháng 6, so với 70 triệu vào tháng 3. Họ đang đặt mục tiêu đạt 100 triệu liều vào tháng 8.
Với công suất chỉ 10 triệu liều vào tháng 4, công ty Bharat Biotech đang lên kế hoạch tăng công suất lên 60 - 70 triệu liều/tháng trong tháng này hoặc tháng tới, và gần 100 triệu vào tháng 9.
Trong khi đó, nhà sản xuất Biological E có thể cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19, bao gồm vaccine do Johnson & Johnson phát triển, vào năm 2022 cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nỗ lực này là một phần của quan hệ đối tác vaccine được công bố vào tháng 3 bởi nhóm Quad bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia duy nhất để cung cấp vaccine là không thận trọng. Các nước cần đa dạng nguồn cung và đẩy mạnh tiêm chủng bất cứ loại vaccine nào đã được cấp phép.