Ấn Độ kêu gọi các địa phương quyết liệt nhằm chặn đứng làn sóng lây nhiễm thứ hai

Ngày 17/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ quan ngại trước việc số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Chú thích ảnh
Một trung tâm chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trước chính quyền các bang, Thủ tướng Modi đã kêu gọi các địa phương có các biện pháp nhanh chóng và quyết liệt nhằm chặn đứng làn sóng lây nhiễm thứ hai. Có nhiều huyện, từng được xem là các vùng an toàn, nay lại ghi nhận số ca nhiễm tăng. Ít nhất 70 huyện trên cả nước đã có số ca nhiễm tăng hơn 150% trong những tuần vừa qua. Ông Modi cảnh báo nếu không sớm có giải pháp ngăn chặn, dịch COVID-19 sẽ lại lan rộng khắp cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ hiện là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong thuộc nhóm thấp nhất, khi đã có hơn 96% bệnh nhân COVID-19 phục hồi.

Theo ông Modi, phần lớn các nước chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 phải đối mặt với nhiều làn sóng dịch bệnh. Tại Ấn Độ, số ca nhiễm tại một số bang cũng bất ngờ tăng, đặc biệt ở Maharashtra và Madhya Pradesh tăng rất cao. Tại một số huyện, người dân đã phớt lờ các tiêu chuẩn phòng dịch và việc đeo khẩu trang. Thủ tướng Modi kêu gọi người dân không nên quá lạc quan hay hoảng sợ, thay vào đó cần phải thận trọng, tạo môi trường cho việc tiêm phòng. 

Về công tác tiêm chủng, Thủ tướng Modi cho biết tốc độ tiêm phòng đang được đẩy nhanh với 3 triệu người được tiêm mỗi ngày. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi tránh lãng phí vaccine và nâng cao hiểu biết của người dân về tiêm phòng.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong ngày 17/3, nước này đã ghi nhận thêm 28.903 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.4.734 ca. Số ca tử vong tăng thêm 188 ca lên 159.044 ca.
 
* Tại Thái Lan, Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) cho biết nước này đã ghi nhận 248 ca nhiễm mới trong ngày 17/3, trong đó có 242 ca lây nhiễm trong nước. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 167 ca tại thủ đô Bangkok, 33 ca tại Samut Sakhon và 42 ca tại các tỉnh khác.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo CCSA, dịch COVID-19 đã lây lan từ các khu chợ đông đúc tại khu vực Thonburi của thủ đô Bangkok tới các tỉnh miền Trung Suphanburi, Nakhon Pathom, Phetchaburi và Samut Sakhon, cũng như tỉnh Sisaket ở Đông Bắc Thái Lan.

Cho đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 27.402 ca nhiễm và 88 ca tử vong do COVID-19.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố chính phủ nước này đang lên kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID-19 tại thủ đô Tokyo vào ngày 21/3 tới.

Thủ tướng Suga đã xác nhận kế hoạch trên sau cuộc họp với các thành viên nội các, trong đó có Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura. Ông cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và những lĩnh vực khác.

Hiện thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Chiba và Saitama vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Theo quy định, người dân được yêu cầu hạn chế việc ra ngoài vì các mục đích không thiết yếu, trong khi nhà hàng và quán bar phải đóng cửa trước 20h.

Theo trang thống kê worldometers.info, Nhật Bản có tổng cộng trên 448.000 ca nhiễm và trên 8.600 ca tử vong do COVID-19.

Đặng Ánh (TTXVN)
Chủ tịch ADB: Đông Nam Á cần hợp tác để phục hồi sau đại dịch COVID-19
Chủ tịch ADB: Đông Nam Á cần hợp tác để phục hồi sau đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 17/3, tại thủ đô Manila của Philippines đã diễn ra hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đổi mới thông qua hợp tác: Lập kế hoạch cho sự phục hồi sau dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN