Theo nghiên cứu, tại các nước có hệ thống y tế mang tính xã hội hóa và công bằng hơn thì tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 thấp hơn. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ là Đức và Thụy Điển có mức giảm ít hơn nhiều so với các quốc gia như Hà Lan (giảm gần 16 lần). Các nhà nghiên cứu cho biết nhân tố chính dẫn đến sự khác biệt trên là đối tượng chịu tác động của dịch bệnh. Đợt dịch đầu tiên chủ yếu tác động tới những người cao tuổi, trong khi đó, làn sóng dịch thứ hai có xu hướng ảnh hưởng nhiều tới những người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, trong đợt một, châu Âu đánh giá thấp những con số về ca nhiễm. Ngoài ra, một nhân tố khác là khả năng ứng phó của các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Belarus là quốc gia châu Âu duy nhất ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng so với làn sóng thứ nhất, tương tự như các bang Arkansas và Tennessee của Mỹ. Trong khi đó, Hà Lan, Bỉ, Pháp và Đan Mạch dẫn đầu châu Âu, ghi nhận tỷ lệ tử vong giảm hơn 10 lần so với đợt dịch lần đầu.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp đặc biệt của họ có thể được các nhà dịch tễ học sử dụng để phân tích dữ liệu và đánh giá tác động của tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong dân số.
Nghiên cứu sinh Nick James thuộc Khoa Toán và Thống kê trường Đại học Sydney cho biết nghiên cứu đã tập hợp số liệu các trường hợp lây nhiễm trong cùng thời gian theo quốc gia, áp dụng thuật toán để chia nhỏ số liệu trên thành các đợt dịch đầu tiên và thứ hai, sau đó tính toán theo phương pháp tối giản để thu được số liệu chính xác tỷ lệ tử vong của từng đợt dịch. Nhóm nghiên cứu thừa nhận dữ liệu của họ chỉ dựa trên số ca tử vong được báo cáo, có nghĩa là con số thực sự có thể khác và họ sẽ có cơ hội áp dụng các thuật toán này khi có được số liệu toàn diện hơn.