Hàng trăm thùng nhựa rỗng được xếp thành hàng trên nền đất khô nứt, bụi bặm. Gần đó, cư dân khu ổ chuột Vasant Kunj ở Nam Delhi, một trong những khu dân cư nghèo nhất của thành phố này, đang đứng đợi xe cấp nước của chính phủ đến.
Đã 10 ngày trôi qua kể từ lần cuối họ được cấp nước. Nhiều gia đình đã dùng hết nước từ vài ngày trước. Họ rất khát và bẩn. Fatima Bibi, 30 tuổi, phụ trách việc nhận nước cho khu ổ chuột chia sẻ: “Thật khó để sống thế này. Mọi thứ đều cần đến nước. Uống, nấu nướng, rửa ráy, giặt giũ”.
Kênh CNN cho biết khu vực này chỉ cách các trung tâm thương mại quy mô lớn ở New Delhi chừng 10 phút lái xe, nơi bạn có thể mua một đôi giày thể thao với giá 1.000 USD. Nhưng tại khu vực này, người dân sống chen chúc trong những căn nhà lụp xụp ghép lại từ tấm tôn, mảnh sắt. Với thời tiết 40 độ C, trong nhà nóng như lò nung.
Lúc chiếc xe bồn xuất hiện, đám đông hò reo. Đàn ông, phụ nữ chạy cầm đoạn ống cao su màu xanh để dẫn nước từ bồn vào thùng chứa của họ. Mỗi hộ gia đình được cấp 600 lít nước – không đủ dùng cho đến kỳ cấp nước tiếp theo.
Theo báo cáo mới đây của tổ chức cố vấn chính sách Niti Aayog cho Chính phủ Ấn Độ, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng nhất trong lịch sử, với khoảng 600 triệu người thiếu nước sinh hoạt.
Dự kiến 21 thành phố lớn của Ấn Độ sẽ sử dụng hết nguồn nước ngầm vào năm 2020 – tức trong năm tới. Trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường hỗ trợ 1,3 tỷ người dân, những người ở vùng khủng hoảng cho biết tình trạng thiếu nước chỉ thêm tồi tệ. “Chúng ta quá đông dân so với số nước quá ít ỏi”, bà Jyoti Sharma – nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ FORCE về bảo tồn và vệ sinh nguồn nước – cho biết. Khi các nước khô hạn như Ấn Độ càng khô hạn hơn vì biến đổi khí hậu, bà Sharma cảnh báo nước sẽ sớm trở thành một vấn đề trên toàn cầu.
Khủng hoảng nước sạch
Đơn giản là các nguồn nước tại Ấn Độ đã gần hết. Đây là vấn đề lớn nhất của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Hàng thập kỷ đào giếng khoan sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nước theo cách truyền thống đồng nghĩa với việc Ấn Độ đang bị cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Ông Joydeep Gupta, biên tập viên tại tờ báo môi trường Third Pole cho biết: “Chúng ta là nước sử dụng nước ngầm nhiều nhất thế giới. Điều này rất tồi tệ, nó là một cuộc khủng hoảng”.
Khi Ấn Độ chuyển mình theo hướng đô thị hóa nhiều hơn và thêm hàng triệu người chuyển đến thành phố sinh sống, nhu cầu sử dụng nước càng gia tăng. Các thành phố bắt đầu tìm kiếm nguồn nước ở xa hơn, bơm về dùng thông qua đường ống dài hàng trăm km.
100 triệu người, bao gồm các cư dân thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad, sẽ sớm sống trong những thành phố không có nước ngầm. Thêm vào đó, Ấn Độ chủ yếu là một nước nông nghiệp, với 80% nước được sử dụng để tưới cho cây trồng. “Các chính sách giống như một số bang miễn phí tiền điện cho nông dân hoặc trợ cấp đào nước ngầm dẫn đến tình trạng khai thác mất kiểm soát và lãng phí tài nguyên”, ông Suresh Rohilla, Giám đốc quản lý nước đô thị tại Trung tâm Khoa học và Môi trường phát biểu với CNN năm ngoái.
Tình trạng này còn bị tác động bởi yếu tố thay đổi khí hậu, khiến nguồn cung nước càng bị hạn chế. Mưa gió mùa thất thường hơn, trong khi hạn hán thường xuyên hơn, đe dọa mùa màng của nông dân. Mùa đông ngắn đi, trong khi mùa hè dài hơn và nóng hơn đang làm tan băng trên dãy Himalaya, nơi đổ vào những con sông ở miền Bắc Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng này đang diễn ra khắp đất nước Nam Á. Mực nước ngầm cạn kiệt, hạn hán và nợ nần đã gây ra một cuộc khủng hoảng nông nghiệp sâu sắc và nạn tự tử ở người nông dân đã trở thành một vấn nạn quốc gia. Theo số liệu của chính phủ do tổ chức Down to Earth, trên 200.000 nông dân đã tự sát kể từ năm 1995.
Năm 2018, vùng Shimla ở bang phía Bắc Ấn Độ Himachal Pradesh gần như bị cạn kiệt nước, chứng kiến cảnh người dân hỗn loạn tranh giành nước sinh hoạt. Họ xếp hàng dài chờ đợi, biểu tình đòi cấp nước và yêu cầu du khách không đến đây.
Ở những thành phố lớn như Bangalore và Hyderabad – hai trung tâm phát triển công nghệ, trùm mafia xe chở nước là những kẻ được quyền quyết định ai là người được phép lấy nước và giá bao nhiêu, khi hai thành phố này hoàn toàn phải phụ thuộc vào xe bồn để có nước sinh hoạt.
Ở nông thôn thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi các giếng khoan đã khô cạn, dân làng chẳng còn nguồn nước nào để sử dụng. Họ buộc phải đi bộ nhiều cây số hoặc trả giá cắt cổ để có người chở nước đến tận làng.
Sông ngòi ở Ấn Độ cũng trở nên độc hại khi hàng tỷ lít nước thải – trong đó có chất hóa học và nước thải chưa qua xử lý – đổ thẳng vào mỗi ngày.
Chống đỡ trong khủng hoảng
Tại Ấn Độ hiện nay, nước đã trở thành một món hàng quý giá và người dân ở khu ổ chuột Vasant Kunj phải tính toán cách nào để dự trữ được nhiều nước nhất có thể. Mỗi hộ gia đình được cấp miễn phí 600 lít, mùa Đông cũng như mùa Hè, nhưng họ phản ánh rằng lượng nước này không đủ dùng trong 10 ngày để chờ đến đợt cấp nước tiếp theo.
Nước sinh hoạt quyết định cuộc sống tại đây. Đàn ông và phụ nữ ra ngoài làm việc sẽ được gọi quay về nếu xe bồn chở nước sắp đến. Không có giờ cụ thể, dù vậy Fatima Bibi nói rằng gần đây xe bồn thường đến vào lúc 1 giờ chiều. “Việc chờ đợi kéo dài cả ngày. Họ phải chờ để lấy nước”, Bibi nói.
Hàng xóm của Bibi, Ashraf Ullah hạnh phúc khi trông thấy xe bồn đến. “Lũ trẻ sẽ thích dòng nước mát lạnh này. Sau 10 ngày trong thùng nhựa, chúng nóng như đun sôi”, ông chia sẻ.
Những thùng nhựa chứa nước màu xanh và đen, được đánh dấu của từng gia đình, được chất đống bên ngoài các căn nhà tạm bợ, khiến lối đi nhỏ bé càng chật chội hơn. Bibi cho biết mọi người dùng nửa xô nước tắm mỗi ngày, một số hôm họ còn không được tắm. Nước rửa rau xong sẽ được dùng để giặt giũ. Nước được sử dụng rồi tái sử dụng liên tục. Ngay cả nước bẩn cũng có thể được dùng để dội rửa những chỗ khác. Không có vòi hay ống. Không có cống thoát nước. Không hệ thống xử lý nước thải. Xô chậu xếp hàng loạt, không giọt nước nào bị lãng phí tại đây.
Bất chấp nỗ lực của họ, nước vẫn không đủ dùng. Hàng xóm phải chia sẻ với với nhau. Các gia đình cãi cọ nếu họ dùng hết nước trước ngày xe bồn đến.
Thay đổi vì tương lai
Trong bối cảnh tình trạng ấm lên toàn cầu trở nên xấu đi, xung đột về nước giữa các quốc gia có và các quốc gia không có thể diễn ra khắp thế giới. “Trong quan hệ quốc tế, nước sẽ trở thành yếu tố quyết định”, Giám đốc tổ chức FORCE cho biết. Bà hình dung về một tương lai nơi các quốc gia có đủ nước cùng tài nguyên khác - chủ yếu là các nước giàu hơn ở Bắc bán cầu - có thể nắm quyền quyết định ở những quốc gia nước khô hạn hơn, nghèo hơn tại châu Phi và châu Á. Theo Water Aid, người dân các nước Pakistan, Ethiopia và bang California của Mỹ cũng đang chống chọi với cảnh thiếu nước như Ấn Độ.
Tuy vậy, vẫn còn hy vọng để thay đổi tương lai này. Có dấu hiệu cho thấy người nông dân đang dần chuyển sang các kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả song đắt tiền hơn, nhờ những sáng kiến của chính phủ. Tuy nhiên, những sáng kiến vẫn còn chậm triển khai và chưa được áp dụng trên toàn quốc.
Ở cấp địa phương, New Delhi có kế hoạch dự trữ nước tại từng nhà dân cùng mức phạt và thưởng đối với vấn đề trữ nước. Bà Sharmer cho biết giới chức Delhi đang triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống nước tự duy trì. Đó là một phương án chậm, nhưng bà Sharma rất lạc quan.
Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả nước và quản lý nước thải. Với quy mô nhỏ lẻ và phân tán, các biện pháp công nghệ trên có thể giúp ích nếu chúng được triển khai trên quy mô lớn.
Một trong những công ty sáng tạo đó là Retas, do ba sinh viên tốt nghiệp năm 2016 thành lập để cải thiện quản lý nước mưa bằng hệ thống thu gom nước mưa. Phương pháp làm đầy mực nước ngầm này từng được áp dụng trong lịch sử Ấn Độ, nhưng giờ được làm mới để phù hợp với thời hiện đại.
Ankit Magan, Giám đốc công ty Retas cho biết: “Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cơ sở hạ tầng phát triển và thiếu thành phố quy hoạch tốt, chúng ta đã mất tập trung vào dự trữ nước. Thời hiện đại đòi hỏi những kỹ thuật hiện đại”.
Retas đã hợp tác với nhiều công ty công nghiệp và cơ sở hạ tầng, viện nghiên cứu công cùng chính quyền tại 7 bang ở Ấn Độ. Anh cho biết: “Chúng ta nên cố gắng để trả lại Mẹ thiên nhiên thứ chúng ta đã lấy đi của bà”.