Trong thông cáo chính thức, CIM cho biết, trong một số trường hợp, những yêu cầu cụ thể của phía Mỹ là “không hợp lý và không thể làm được” tại thời điểm này đối với các bộ, ngành hữu quan của Chính phủ Ấn Độ.
CIM nêu rõ mức thuế quan bình quân mà Ấn Độ áp dụng là 7,6%, có thể so sánh được với mức thuế quan của những nền kinh tế đang phát triển mở cửa nhất cũng như một số nền kinh tế phát triển.
CIM cũng nhấn mạnh Ấn Độ có thể đồng ý một gói biện pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên tại thời điểm này, đồng thời duy trì thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng trong tương lai.
Tuyên bố của CIM được coi là phản hồi thông báo ngày 4/3 của Mỹ về việc chấm dứt cơ chế ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP). Hệ thống này miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nêu lý do Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đối với hoạt động thương mại của Mỹ.
Ngoài Ấn Độ, Mỹ cũng đang xem xét chấm dứt cơ chế ưu đãi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do nước này “đã phát triển đầy đủ về mặt kinh tế”.
Nếu Mỹ chấm dứt cơ chế GSP đối với Ấn Độ, đây sẽ là biện pháp mạnh tay nhất đối với nước này kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi năm 2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết giảm tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và nhiều lần chỉ trích Ấn Độ áp thuế nhập khẩu cao. Theo USTR, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ năm 2017 ở mức 27,3 tỷ USD.