Ngày 10/1, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ - do Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đứng đầu - đã đồng ý mua các tên lửa tầm ngắn di động nội địa.
“Xét về những diễn biến gần đây dọc theo biên giới phía Bắc, chúng ta cần phải tập trung vào các hệ thống vũ khí phòng không hiệu quả, có thể vác theo người và triển khai nhanh chóng ở địa hình hiểm trở”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.
Được thiết kế để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không ở độ cao thấp ở cự ly gần, loại tên lửa sắp được triển khai ở biên giới Ấn Độ là sản phẩm tổ chức nghiên cứu DRDO trong nước. Nó có công năng tương tự tên lửa đất đối đất FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất.
Các hệ thống tên lửa phòng thủ Stinger đã được chứng minh sức mạnh và hiệu quả trong các vụ xung đột gần đây. Lầu Năm Góc đang cung cấp ít nhất 1.600 hệ thống tên lửa Stinger cho Ukraine để chống lại các cuộc không kích của Nga.
Tình trạng căng thẳng dọc theo đường biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia châu Á này đã kéo dài âm ỉ sau khi xảy ra vụ đụng độ hồi tháng 6/2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Vụ giao tranh khi đó xảy ra xung quanh khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya, dọc theo đường biên giới dài 3.488 km được gọi là Đường kiểm soát thực tế giữa hai nước.
Tháng trước, binh sĩ hai bên đã đụng độ tại khu vực biên giới thuộc bang Arunachal Pradesh phía Đông bắc Ấn Độ.
Các chỉ huy quân sự Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức 17 vòng đàm phán nhằm cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng biên giới nhưng tiến triển rất chậm chạp.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng thông qua việc mua sắm tên lửa chống tăng sản xuất trong nước để trang bị cho máy bay trực thăng và tên lửa chống hạm Brahmos cho tàu chiến của nước này. Tổng chi phí ước tính lên tới 522 triệu USD.