Theo phóng viên TTXVN tại London, khởi động cho các sự kiện kỷ niệm ngày lịch sử này, sáng ngày 31/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại thành phố Sunderland, nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ “Ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”.
Đêm 31/1, tất cả các tòa nhà chính phủ ở khu Whitehall được chiếu sáng, cờ EU được treo trên các cột cờ ở Quảng trường Quốc hội ở thủ đô London, một đồng hồ đếm ngược xuất hiện trước cửa số 10 Phố Downing để đánh dấu việc nước Anh rời khỏi EU.
Như vậy, sau 1.317 ngày kể từ cuộc trưng cầu ý dân, nước Anh đã thực hiện được ý nguyện của cử tri là “Ra đi” và bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU, nhưng không còn tiếng nói hay đại diện trong các thể chế chính trị của EU. Các nghị sỹ Anh tại Nghị viện châu Âu phải "khăn gói" về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn người của mình trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối...
Cũng trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ phải đàm phán với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Với việc hai bên đều mong muốn đạt được một thỏa thuận toàn diện, bao gồm tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương, nhưng bất đồng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, dự báo là các cuộc đàm phán giữa Anh và EU để đi đến một thỏa thuận sẽ khó khăn không kém quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU.