Anh dành thêm hàng chục tỷ bảng để ứng phó với những thiệt hại có thể xảy ra khi rời EU

Anh sẽ có một khoản quỹ đặc biệt trị giá 26,6 tỷ bảng (35,2 tỷ USD) để ứng phó với những thiệt hại có thể xảy ra khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Đại diện Quốc hội Anh thông báo kết quả bỏ phiếu về phương án Brexit không có thỏa thuận tại phiên họp Quốc hội ở London, ngày 13/3/2019 (giờ địa phương). Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện Chính phủ Anh đang khẩn trương chuẩn bị các kế hoạch kinh tế khẩn cấp trong bối cảnh quốc gia này sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới nhưng cho tới nay chưa có thỏa thuận nào nhận được sự ủng hộ của nội bộ Anh. Sau khi đánh giá báo cáo kinh tế mà Bộ trưởng Tài chính Anh Phillip Hammond trình bày tại Hạ viện trước đó, Văn phòng giám sát Ngân sách quốc gia Anh (OBR) cho biết London có thể dành thêm một khoản tiền tương đương 26,6 tỷ bảng Anh cho các nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế do Brexit gây ra nếu thâm hụt ngân sách quốc gia trong giai đoạn 2020-2021 duy trì ở mức thấp hơn 2% GDP. Con số này cao hơn mức 15,4 tỷ bảng dự tính hồi tháng 10/2018. Khoản tiền này sẽ giúp Anh bù đắp cho những thiệt hại kinh tế mà tình trạng Brexit bấp bênh gây ra.

Hôm 12/3, thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU ký kết cuối năm 2018 vừa qua đã bị Hạ viện nước này bác bỏ lần thứ 2, đẩy cao nguy cơ Anh ra đi khỏi EU không thỏa thuận hoặc thời điểm Brexit sẽ bị trì hoãn. Thủ tướng Anh Theresa May đồng ý yêu cầu các lãnh đạo EU cho phép trì hoãn Brexit nhưng vẫn cảnh báo nếu Hạ viện Anh không ủng hộ thỏa thuận của bà thì Brexit sẽ bị trì hoãn trong thời gian dài.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua một số biện pháp dự phòng cho trường hợp Brexit không thỏa thuận cho thấy liên minh hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản này. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các đề xuất được thông qua bao gồm đảm bảo kết nối về đường hàng không, đường bộ và đường sắt trong một giai đoạn giới hạn của kịch bản Brexit không có thỏa thuận. EU cho phép tiếp tục duy trì quyền đánh bắt cá ở cả hai bên EU và Vương quốc Anh cho đến cuối năm 2019, cũng như việc bồi thường cho ngư dân và các nhà khai thác.

Các đề xuất khác được thông qua bao gồm việc tiếp tục chương trình "hòa bình" trên đảo Ireland cho đến cuối năm 2020, cũng như bảo vệ quyền của những người tham gia chương trình đào tạo Erasmus + và một số quyền lợi về an sinh xã hội cho những người được quyền tự do đi lại trước thời điểm Brexit. Các biện pháp kỹ thuật giúp kiểm tra tàu thuyền và kết nối tuyến hành lang Biển Bắc - Địa Trung Hải cũng được thông qua. 

EC đã chuẩn bị cho một kịch bản "không thỏa thuận" kể từ tháng 12/2017. Đến nay, EC đã công bố 19 đề xuất lập pháp, trong đó 17 nội dung đã được EP và Hội đồng châu Âu thông qua hoặc đồng ý. Hiện vẫn còn hai đề xuất  đang chờ xử lý. Những đề xuất chỉ mang tính chất tạm thời, giới hạn về phạm vi và sẽ được EU đơn phương chấp nhận. Bên cạnh đó, EC cũng đã tăng cường chiến dịch kêu gọi người dân và doanh nghiệp chuẩn bị cho kịch bản Brexit không có thỏa thuận và tổ chức các cuộc thảo luận kỹ thuật với các 27 quốc gia thành viên về các vấn đề chung như công tác chuẩn bị và dự phòng cũng như các vấn đề pháp lý và hành chính cụ thể.

Kim Chung- Lê Ánh (TTXVN)
EU để ngỏ khả năng ủng hộ gia hạn Brexit trong thời gian dài
EU để ngỏ khả năng ủng hộ gia hạn Brexit trong thời gian dài

Ngày 14/3, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cho biết có khả năng các thành viên EU sẽ cho phép trì hoãn thời hạn Anh rời liên minh trong thời gian dài. Đây được coi là nỗ lực cuối nhằm thuyết phục Thủ tướng Anh Theresa May thay đổi những giới hạn đàm phán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN