Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp Anh bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ông Hammond cho rằng các lãnh đạo thế giới và doanh nhân cần có trách nhiệm đối với lợi ích xã hội, tiếp tục duy trì dòng lưu thông xuyên quốc gia trên các lĩnh vực ý tưởng, hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn, nhằm ngăn chặn những thiệt hại kinh tế do tiến trình Brexit có thể gây ra.
Ông cho biết Brexit không có nghĩa là "đảo ngược lại mọi thứ" và Anh muốn giữ mối quan hệ thương mại gần gũi với EU và giữ nguyên những quy định của EU đã giúp kinh tế Anh trong 45 năm qua với tư cách là nước thành viên của EU.
Nhận xét về mối quan hệ Anh-EU, ông Hammond cho rằng vì hai nền kinh tế hoàn toàn gắn kết với nhau ở cấp độ cao về thương mại nên Anh và 27 nước thành viên còn lại của EU cần có những tham vọng lớn hơn mục đích là đặt mối quan hệ hai bên dựa trên các nguyên tắc của WTO, hay thậm chí kiểu thỏa thuận tự do thương mại EU-Canada. Mô hình tự do thương mại EU-Canada với thuế khóa được dỡ bỏ nhưng kiểm soát đường biên vẫn duy trì.
Ông Hammond bày tỏ quan tâm đến việc giữ lại hầu hết các quy định của EU để đổi lại là cần giảm bớt những va chạm bất đồng về quy tắc tại các đường biên và khu tài chính London có thể được tiếp tục cung cấp các dịch vụ tài chính đến các nước trong EU như hiện nay.
Bộ trưởng Tài chính Anh cũng bày tỏ quan điểm của Anh muốn duy trì quan hệ gần gũi nhất có thể với EU liên quan đến vấn đề nhập cư. Điều đó có nghĩa Anh đã chấp nhận việc không thể chỉ yêu cầu EU mở cửa tự do thương mại với mình trong khi Anh đòi lấy lại quyền kiểm soát đối với vấn đề nhập cư.