Phát biểu trong buổi họp báo chiều 2/12, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ vui mừng khi Anh là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành chương trình tiêm chủng toàn quốc vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng là chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất của Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Thủ tướng Johnson cho biết chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần sau, đối tượng ưu tiên là những người sống trong các nhà dưỡng lão, những người trên 80 tuổi và các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu. Hiện nay, Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine đủ để tiêm cho 20 triệu người (mỗi người phải tiêm 2 mũi) và sẽ tiêm theo thứ tự phân nhóm. Cơ quan y tế Anh sẽ chủ động thông qua các cơ sở y tế địa phương, bệnh viện để lên danh sách và gọi những người đủ tiêu chuẩn đi tiêm đợt đầu.
Tại Anh, tiêm chủng là tự nguyện, không bắt buộc, nhưng Thủ tướng Johnson kêu gọi tất cả người dân hãy cùng tham gia chương trình này. Thủ tướng cho biết sẽ xúc tiến triển khai tiêm chủng nhanh nhất có thể, tuy nhiên vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C nên việc tiêm chủng sẽ kéo dài trong vài tháng. Do vậy, ông kêu gọi người dân tiếp tục nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định giãn cách xã hội vì thời tiết lạnh và mùa nghỉ lễ có nguy cơ khiến dịch lây lan mạnh.
Anh hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu với gần 60.000 ca dù số ca nhiễm tại nước này đứng thứ 4 khu vực. Ngày 2/12, Anh đã kết thúc lệnh phong tỏa toàn quốc đợt hai và quay trở lại thực hiện các quy định giãn cách xã hội được áp dụng theo các cấp độ khác nhau tùy từng vùng và thay đổi theo tình hình diễn biến của từng địa phương. Thủ tướng Johnson nói rằng hậu quả sẽ rất tồi tệ nếu như lơ là trong công tác phòng chống dịch và không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Ông khẳng định Anh sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt quy định giãn cách xã hội trong thời gian tới.
Sau khi Anh trở thành nước châu Âu đầu tiên thông báo kế hoạch tiêm chủng hàng loạt, cơ quan giám sát thuốc của châu Âu (EMA) khẳng định EMA có phương pháp "thích hợp nhất" để phê chuẩn một vaccine ngừa COVID-19. Theo kế hoạch, EMA sẽ tiến hành cuộc họp đặc biệt, sớm nhất là vào ngày 29/12 tới, về việc liệu có cấp phép có điều kiện cho vaccine của hãng Pfizer-BioNTech hay không. Tuy nhiên, các bộ trưởng của Anh cho rằng việc rời EU cho phép nước này đồng ý triển khai tiêm chủng trước các nước láng giềng vì Anh không còn bị ràng buộc bởi các quy định của EU.
Trên thực tế, Anh vẫn phải tuân thủ các quy định về buôn bán thuốc của EU cho đến hết ngày 31/12 tới, thời điểm kết thúc quá trình chuyển tiếp. Tuy nhiên, nước này đã phê chuẩn vaccine theo một điều khoản khẩn cấp trong luật pháp EU.
EMA cho biết đang cân nhắc rằng cấp phép sử dụng có điều kiện là cơ chế quản lý phù hợp nhất trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp hiện nay. Cụ thể, trong thời gian tình trạng tình trạng khẩn cấp về y tế, các nhà phát triển vaccine có thể đề nghị EMA cấp phép bán có điều kiện để đẩy nhanh quá trình mà thông thường phải mất nhiều năm.
Trong một diễn biến liên quan ngày 2/12, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 từ 5/1/2021. Ông cho biết sau khi vaccine chính thức được cấp phép thì vẫn phải đợi từ chính phủ liên bang đến chính quyền địa phương phê duyệt các nội dung cuối cùng của chương trình tiêm chủng, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Thủ tướng Croo cho biết khi có vaccine, nước Bỉ sẽ sẵn sàng và phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt và cho nhiều người Bỉ nhất có thể.