Kế hoạch trên đặt mục tiêu xây dựng 8 nhà máy năng lượng hạt nhân mới, tăng gấp 5 lần lượng điện từ năng lượng Mặt trời, gió để cung cấp cho mọi ngôi nhà trong Vương quốc Anh vào năm 2030. Tuy nhiên, vấn đề của các tua-bin gió ở bên bờ biển, vốn rẻ hơn và xây dựng nhanh hơn các tuabin gió ở ngoài khơi, đã bị gác lại một bên trong sự thất vọng của các nhà bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các kế hoạch cấp phép mới cho hoạt động khai thác dầu khí ở vùng Biển Bắc cũng bị cho là đi ngược lại với cam kết của Thủ tướng Boris Johnson là đưa nước Anh đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.
Tuy nhiên, ông Johnson cho biết ông "có cách nhìn thiết thực và nhạy bén" về hydrocarbon. Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm một nhà máy điện hạt nhân lớn đang xây dựng tại Hinkley Point, Tây Nam England, ông khẳng định sẽ không để nước Anh bị tác động trước sự lên xuống của giá dầu và khí tự nhiên, đồng thời nhấn mạnh đến "an ninh năng lượng của Anh". Ông cam kết: "Thay vì mỗi thập kỷ xây một lò phản ứng mới, chúng ta sẽ có một lò phản ứng hàng năm".
Chính phủ Anh thừa nhận chiến lược sẽ không giúp giảm đáng kể hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình trong tương lai gần sau khi giá nhiên liệu tăng mạnh do xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, theo chiến lược năng lượng mới, vào năm 2030, Anh sẽ có thể sản xuất 95% lượng điện từ các nguồn ít thải CO2.
Thông báo kế hoạch tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch của Anh được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh "sẽ là phi đạo đức và phi kinh tế" khi đầu tư thêm nữa vào nhiên liệu hóa thạch.