Kênh RT (Nga) cho biết có khoảng 1.000 đến 2.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Đông Bắc Syria tham gia cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Có nhiều lo ngại rằng tuy IS chịu thất bại tại Syria và Iraq nhưng tàn quân của chúng vẫn ẩn náu. Do vậy, việc rút quân quá đột ngột có thể khiến IS hồi phục.
Tuy nhiên, Mỹ đang tìm hướng để giảm quân số tại Syria và chính quyền Tổng thống Trump hướng đến các đồng minh. Ngày 9/7, Mỹ cho biết Anh và Pháp đồng ý tăng 10-15% lính đặc nhiệm đến Syria, tuy nhiên con số chính xác vẫn là một bí mật.
Tờ Foreign Policy đã đánh giá đây là “chiến thắng chính” đối với đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump bởi không có nhiều quốc gia sẵn sàng ra tay hỗ trợ đề nghị đưa quân đến Syria của nhà lãnh đạo Mỹ.
Vào ngày 8/7, Đức đã từ chối đề nghị đưa bộ binh đến Syria. Mỹ thừa nhận ngoài Đức, một số quốc gia khác cũng đã từ chối. Chỉ có Italy vẫn đang cân nhắc liệu có theo chân Anh. Không quân Hoàng gia Anh vốn tham gia liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống lại IS.
Đầu tháng 7 này, Thủ tướng Theresa May đã ca ngợi “những cô gái, chàng trai dũng cảm” đã tham gia vào cuộc chiến chống IS. Anh ra mặt ủng hộ Mỹ ở thời điểm xảy ra xích mích ngoại giao giữa hai quốc gia. Tờ Daily Mail (Anh) đã tiếp cận được tài liệu đánh giá của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gửi về London trong đó miêu tả rằng xích mích nội bộ trong Nhà Trắng là “dùng thủ đoạn ám muội” và dự đoán rằng “sự nghiệp của Tổng thống Trump có thể kết thúc trong cay đắng”.
Đại sứ Kim Darroch còn miêu tả Tổng thống Donald Trump là “vô lý”, “không vững chắc” và “thiếu khả năng”. Theo tờ Daily Mail, những tài liệu rò rỉ được gửi trong khoảng thời gian từ 2017 tới nay, mang nội dung đa dạng từ chính sách của Tổng thống Trump cho tới kế hoạch tái tranh cử năm 2020 của nhà lãnh đạo này.
Trước bê bối này, Tổng thống Trump vào ngày 7/7 tuyên bố trước các phóng viên rằng “chúng ta không phải người hâm mộ ông Darroch” và đại sứ này đã “không phục vụ tốt đất nước Anh”.
Tờ Foreign Policy đánh giá điều quan trọng hơn hiện nay là chính quyền Tổng thống Trump đang cố thuyết phục Anh, Pháp và các đồng minh khác đóng góp kinh phí cho nỗ lực bình ổn Syria bởi tình trạng tồi tệ tại trại tị nạn Rukban – nơi Liên hợp quốc cho biết khoảng 45.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang mắc kẹt.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh bại IS và ra lệnh rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria, nhưng một số đơn vị Mỹ vẫn được duy trì ở vùng đông bắc nước này để hỗ trợ lực lượng người Kurd. Dù đã bị đánh bại, IS vẫn hiện hữu tại Syria và có khả năng trỗi dậy, trong khi lực lượng Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và liên tục đối mặt nguy cơ bị tấn công.