Theo BBC, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe (MHRA), cơ quan quản lý dược phẩm của Anh, đã “bật đèn xanh” cho việc nước này sử dụng sản phẩm vaccine nghiên cứu chung giữa trường Đại học Oxford và Hãng dược phẩm AstraZeneca sau một thời gian “rà soát sớm”, một qui trình quản lý vốn được sử dụng để đẩy nhanh việc đánh giá một vaccine hoặc thuốc có tiềm năng dự phòng hoặc điều trị trong tình trạng khẩn cấp về y tế.
Trong một thông cáo, Giám đốc điều hành MHRA June Raine nói: “Tôi thật sự vui mừng thông báo Vương quốc Anh đã tiến thêm một bước gần hơn tới việc cung cấp một loạt vaccine an toàn và hiệu quả trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, vốn đã ảnh hưởng tới mọi người dân theo một cách nào đó, đồng thời góp phần bảo vệ mạng sống của người dân”.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng hoan nghênh tiến triển này, nói rằng năm 2020 đã khép lại “trong một khoảnh khắc hy vọng” cho đất nước.
Vaccine do trường Đại học Oxford và Hãng dược phẩm hàng đầu Thụy Điển AstraZeneca hợp tác nghiên cứu có tên gọi AZD1222. Trước đó, Anh đã triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 qui mô lớn trên phạm vi toàn quốc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech, có tên gọi Tozinameran. Đây là sản phẩm nghiên cứu chung giữa Mỹ và Đức.
Ngày 23/12 vừa qua, Đại học Oxford của Anh và hãng AstraZeneca đã trình hồ sơ lên cơ quan quản lý y tế của Anh xin phê duyệt vaccine AZD1222 mà hai bên phối hợp sản xuất. Phát biểu tại họp báo ngày 23/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết: "Tôi vui mừng thông báo vaccine do Oxford/AstraZeneca sản xuất tại Anh đã nộp hồ sơ toàn bộ dữ liệu lên Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để xin cấp phép. Đây là bước đi tiếp theo tiến tới quyết định về việc phát triển vaccine này".
Trước đó, Anh đã phê duyệt vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và đã tiêm phòng cho 500.000 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất. Chính phủ Anh cũng đã đặt hàng mua 100 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca.
Giới chức hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 27/12 khẳng định hiệu quả của vaccine AZD1222. Theo tờ Sunday Times, Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết hiện vaccine này đang được Cơ quan MHRA rà soát, đánh giá. Theo ông, vaccine này có thể giúp người dùng phòng COVID-19 diễn tiến nặng, đòi hỏi phải nhập viện điều trị, lên tới 100%.
Ông Soriot tin tưởng rằng các cuộc thử nghiệm sẽ cho thấy vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford có hiệu quả ngang với vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), cũng như vaccine của Moderna. Đây là 2 loại vaccine đã được nhiều nước phê chuẩn việc lưu hành, sau khi được đánh giá có hiệu quả lần lượt là 95% và 94,5%.
Tới nay, ngoài Anh cũng có nhiều nước khác đang xem xét hoặc đã đặt hàng mua vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ngày 29/12, tân Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đang hoàn tất các thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh), mỗi loại 50 triệu liều.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Sadikin nêu rõ thỏa thuận với AstraZeneca sẽ được hoàn thành trước cuối năm nay. Dự kiến, vaccine của AstraZeneca sẽ được chuyển đến Indonesia vào quý II/2021 và vaccine của Pfizer có mặt vào quý III.
Ngày 22/12, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết nước này đã ký thỏa thuận mua 6,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng AstraZeneca của Anh phát triển, đồng thời đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc và Nga để đặt mua thêm. Thủ tướng Muhyiddin cho biết số vaccine của AstraZeneca sẽ đến Malaysia trong tháng 2/2021.