Tuyên bố của London được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hãng tin AFP dẫn thông báo được Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh - ông Kwasi Kwarteng - đăng tải trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu (dầu mỏ) của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh”.
Đáng chú ý, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở “xứ sở sương mù”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwarteng cho biết ông đang “nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng này”.
Biện pháp trên của Chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy vậy, Bộ trưởng Kwarteng cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu của Anh đến từ “những đối tác đáng tin cậy” như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẽ phối hợp với họ trong năm nay để đảm bảo có thêm nguồn cung”.
Cũng trong ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.
Theo EC, mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện.
Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.