“Chúng tôi không thể bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng khối Schengen vì nó cũng liên quan đến vấn đề an ninh của công dân châu Âu”, bà Edtstadler nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển.
Ngày 8/12, các Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ bỏ phiếu về việc gia nhập khối Schengen của Bulgaria, Romania và Croatia - những quốc gia mà Ủy ban châu Âu cho biết đã sẵn sàng tham gia.
Trong cuộc bỏ phiếu này, Croatia dự kiến sẽ được chấp nhận gia nhập khối Schengen, nhưng tình hình có thể trở nên phức tạp hơn đối với Bulgaria và Romania.
Sự phản đối việc gia nhập khối Schengen của Bulgaria hiện đến từ Áo và Hà Lan, trong khi Romania hiện chỉ vấp phải sự phản đối từ Áo.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer mới đây đã nhắc lại quan điểm phản đối của Vienna đối với việc Romania và Bulgaria gia nhập khối Schengen.
“Cần thêm thời gian. Vẫn còn nhiều yêu cầu từ phía Áo”, Thủ tướng Nehammer cho biết ngay trước hội nghị thượng đỉnh EU - Tây Balkan ở Tirana hôm 6/12. Theo quan chức Áo, hơn 75.000 người nhập cư chưa được đăng kí đã đến lãnh thổ nước này, trong đó có nhiều người đi qua Romania và Bulgaria.
Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Romania Lucian Bode cho biết các vấn đề di cư mà Áo đang phải đối mặt không thể quy trách nhiệm cho Bucharest để phản đối việc Romania gia nhập khối Schengen do có nhiều người di cư đi qua nước này.
Ông Bode tuyên bố: “Rõ ràng, Romania không nên bị trừng phạt một cách oan uổng và vô lý. Dòng người di cư không đi qua Romania và Romania không phải là nơi tạo ra dòng người di cư này".
Theo ông Bode, Romania đã đáp ứng tất cả các điều kiện kỹ thuật để gia nhập khối Schengen, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã thảo luận với người đồng cấp Áo Gerhard Karner về vấn đề mở rộng khối Schengen và dữ liệu di cư châu Âu.