Tính trung lập từ lâu đã là cốt lõi của bản sắc Áo sau Thế chiến II. Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với mạng tin EURACTIV.de (Đức) ngày 3/2 rằng, mặc dù nước này cam kết hỗ trợ hàng triệu euro cho Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU), nhưng cũng muốn giữ các kênh liên lạc với Điện Kremlin luôn mở.
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Áo đã cam kết hơn 580 triệu euro cho Ukraine - chủ yếu là viện trợ nhân đạo. “Mọi yêu cầu đến từ Ukraine, mọi thứ cần thiết, đều được chúng tôi kiểm tra và sau đó cũng được chuyển giao”, bà Tanner nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tính trung lập được quy định trong hiến pháp Áo sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào.
Bộ trưởng Tanner lưu ý: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là mặc dù chúng tôi trung lập về quân sự theo hiến pháp và các quy định pháp lý của mình, nhưng chúng tôi chắc chắn không trung lập về chính trị khi nói đến Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã ủng hộ tất cả các biện pháp trừng phạt của EU ngay từ đầu. Bởi vì vấn đề là đoàn kết với Ukraine”.
Bất chấp cam kết chính trị này với Ukraine, Áo vẫn tìm cách giữ các kênh mở với Nga.
Trong khi EU đã đưa tất cả các thành viên của Hạ viện Nga vào danh sách trừng phạt vào tháng 2/022, Áo sẽ mở cửa cho các nghị sĩ Nga vào cuối tháng này, khi hội đồng OSCE họp tại Vienna.
Quyết định này đã bị các đồng minh EU chỉ trích nặng nề, đặc biệt là khi cuộc họp diễn ra đúng một năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Tôi nghĩ điều quan trọng không chỉ là giúp đỡ mà còn phải giữ các kênh ngoại giao cởi mở. Điều đó chắc chắn đang xảy ra”, bà Tanner nhấn mạnh và nói thêm: “Chúng tôi có một lịch sử tuyệt vời ở Áo với tư cách là bên hòa giải”.
“Chỉ là khó thôi, chừng nào vũ khí còn đang được sử dụng, ngoại giao bị xếp xuống hàng thứ hai, có thể nói như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải nỗ lực mỗi ngày”, bà Tanner chia sẻ.
Di cư tới Áo, do gần Ukraine, là điểm đến ưa thích của những người tị nạn Ukraine sau cuộc tấn công của Nga vào nước này. Vienna đã tiếp nhận trên 50.000 người sơ tán, Bộ trưởng Tanner thông báo.
“Chúng tôi đã nhận và chăm sóc họ. Tôi nghĩ đó là một thành tích rất quan trọng”, bà giải thích, đồng thời nói thêm rằng Chính phủ Áo đã đảm bảo rằng những người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em và đi học.
Đồng thời, Áo cũng là đối tượng tiếp nhận dòng người xin tị nạn tương tự như trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, gây thêm căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội. Vào năm 2022, số đơn xin tị nạn đã tăng gấp ba lần lên hơn 100.000, mức tăng đột biến lớn nhất được ghi nhận ở EU.
Trong khi đó, Hungary, quốc gia gần đây đã ký hiệp ước di cư với Áo và Serbia, chỉ nhận 46 đơn đăng ký. “Tôi nghĩ điều đó đã nói lên tất cả”, Bộ trưởng Tanner cho biết, đồng thời nhận xét rằng đây là một nguyên nhân gây lo ngại vì nó cho thấy rõ ràng rằng hệ thống trên toàn châu Âu đang không hoạt động.
Bà Tanner nói đây cũng là lý do mà Thủ tướng Áo Karl Nehammer và Bộ trưởng Nội vụ Gerhard Karner đang cùng nhau đấu tranh về vấn đề này với tư cách là thành viên EU.
Để làm như vậy, chính phủ Áo đã tìm kiếm các đồng minh trước cuộc họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 8/2. “Đó là công việc hàng ngày”, bà Tanner tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Ngoại trưởng Karner đã tới Italy để gặp người đồng cấp nước chủ nhà để thảo luận về vấn đề này.