Trước đó một ngày, Đặc phái viên của EU Martin Selmayr cho biết hiện 55% khí đốt của Áo tiếp tục là từ Nga. Quan chức EU bày tỏ ngạc nhiên khi không có sự phản đối nào trước thực tế này.
Đáp lại, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trong EU của Áo Karoline Edtstadler tuyên bố: "Chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách thức trước mắt bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhau. Những bình luận thiếu suy nghĩ như những điều được cho là đã đưa ra không góp phần cho điều đó mà còn vô căn cứ và phản tác dụng”.
Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Áo, trong tháng 6, 60% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Áo là từ Nga, giảm so với mức khoảng 80% trước chiến tranh nhưng cao hơn nhiều so với tỷ lệ 21% vào tháng 9 năm ngoái. Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, Chính phủ liên minh bảo thủ và cánh tả Greens của Áo cho biết đang nỗ lực thay đổi thực tế này. Tuy nhiên, Áo phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau, bao gồm vị trí địa lý của một quốc gia không có biển. Trong khi đó, các quốc gia khác ở châu Âu đang tăng cường khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các khu vực khác qua các cơ sở ven biển.