Trong thư gửi lãnh đạo 5 nước thành viên BRICS gồm Tổng thống các nước Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva; Nam Phi, Cyril Ramaphosa; Nga, Vladimir Putin; Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cũng như Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, ông Milei cho biết trong giai đoạn hiện tại nhiều chính sách đối ngoại của Argentina đã thay đổi và “không còn phù hợp” để nước này trở thành thành viên của nhóm vào đầu năm tới.
Vào tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố Johannesburg, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi, Ramaphosa, thông báo BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập khối này ngay từ tháng 1/2024. Tổng thống Argentina khi đó, ông Alberto Fernández, (2019-2023) đã chấp nhập lời mời của các nhà lãnh đạo BRICS.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh tại Nam Phi, Tổng thống Brazil, Lula da Silva, khẳng định thực tế rằng nhiều nước quan tâm tới việc gia nhập BRICS đã cho thấy đường lối đúng đắn của toàn khối khi quyết định theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới. Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định khối này luôn sẵn sàng chào đón các ứng viên mới.
BRICS chiếm 42% dân số thế giới và GDP chiếm 23% toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của Argentina sang khối này chiếm tới gần 30%. Brazil và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Argentina.
Phản ứng về trước thông báo này của Tổng thống Milei, người vừa nhậm chức hôm 10/12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Buenos Aires.
Ông Slutsky cho rằng đây là “quyền tự quyết” của Tổng thống Milei và “mỗi dân tộc có quyền lựa chọn con đường phát triển của mình”. Ông này cũng bày tỏ Argentina đã để “mất cơ hội” gia nhập BRICS, đồng thời cho rằng điều này không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của khối. Ông Slutsky cũng khẳng định Nga mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ với Argentina.
Hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã đưa ra lời đề nghị chính thức. Các lãnh đạo BRICS đã thông qua nghị quyết nghiên cứu phát triển một đồng tiền thanh toán mới, để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.