Trong bản tóm tắt về cuộc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa công bố, các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nỗ lực khu vực và quốc tế, nhằm đạt được sự chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, bảo vệ dân thường và cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Cũng tại cuộc họp này, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Israel phải tuân thủ Nghị quyết 2712 vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua, trong đó hối thúc đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập các hành lang nhân đạo tại Dải Gaza.
Tuyên bố của Tổng thống al-Sisi nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm nhân đạo và chính trị để cứu dân thường ở Gaza".
Được thông qua vào giữa tháng này, Nghị quyết 2712 của HĐBA LHQ kêu gọi Israel và Phong trào Hamas ngừng bắn và thiết lập hành lang nhân đạo ở Dải Gaza để cho phép khu vực này tiếp cận hàng cứu trợ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng cộng đồng quốc tế nên chung sức nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Trung Đông. Phát biểu tại hội nghị, ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực giảm leo thang tình hình, nỗ lực hướng tới đạt được lệnh ngừng bắn và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Palestine-Israel”. Nhấn mạnh rằng các thành viên BRICS và các nước trong khu vực có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được những mục tiêu này, ông Putin nói: “Điều quan trọng là tất cả các nước thành viên BRICS đều có quan điểm giống nhau về sự cấp thiết cần đạt được một giải pháp chung lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột dai dẳng giữa người Palestine và Israel. Việc ngừng bắn vì lý do nhân đạo, hoặc tốt hơn nữa là lệnh ngừng bắn hoàn toàn là điều cần thiết để tiếp tục nỗ lực giải phóng con tin và sơ tán dân thường, cũng như công dân nước ngoài khỏi Dải Gaza”.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21/11 xác nhận giới chức cấp cao nước này đang phối hợp với chính quyền Qatar để giải cứu các con tin bị Phong trào Hồi giáo Hamas giam giữ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune ở thủ đô Algiers, Tổng thống Erdogan cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Ibrahim Kalin đã tham gia các cuộc đàm phán giải cứu con tin trong nỗ lực chung với Qatar. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Hy vọng của chúng tôi là đạt được kết quả trao đổi tù nhân càng sớm càng tốt. Chúng tôi liên tục liên lạc và hy vọng sẽ đạt được kết quả tích cực từ nỗ lực này. Việc thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô ở Đông Jerusalem dựa trên đường biên giới năm 1967 hiện là điều bắt buộc. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình”.
Trong tuyên bố ngày 22/11, Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết lực lượng này hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo và trao đổi con tin - tù nhân vừa được Chính phủ Israel bỏ phiếu thông qua.
Theo các điều khoản của thỏa thuận do Mỹ và Qatar dàn xếp, trong thời gian ngừng bắn kéo dài 4 ngày giữa hai bên, phía Hamas sẽ trả tự do cho 50 con tin mà lực lượng này giam giữ kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10 vừa qua. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine. Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết sẽ có 3 công dân nước này được trả tự do theo thỏa thuận trên, trong đó có một bé gái 3 tuổi và hai phụ nữ.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly ngày 21/11 bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ đạt được thỏa thuận trả tự cho các con tin trong cuộc xung đột Hamas-Israel để từ đó tiến tới lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Canada xác nhận bà đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về thỏa thuận giải cứu con tin. Bên cạnh đó, đại diện của Canada phụ trách vấn đề con tin Julie Sunday cũng đã có mặt ở Israel, Ai Cập và Qatar để thúc đẩy tiến trình này.