Armenia đình chỉ hiệp ước an ninh với Nga

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan nói rằng quyết định của ông được thúc đẩy bởi cuộc xung đột với Azerbaijan.

Chú thích ảnh
Người biểu tình giơ biểu ngữ đòi hoà bình cho Nagorno-Karabakh, vùng tranh chấp giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan. Ảnh: CEPA

Theo đài RT, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết Armenia trên thực tế đã đình chỉ tham gia thỏa thuận an ninh quan trọng với Nga, với lý do căng thẳng tiếp tục gia tăng với nước láng giềng Azerbaijan.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh France 24 được công bố ngày 22/2, ông Pashinyan nói rằng đất nước của ông ngày càng không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), khối gồm sáu thành viên được thành lập ngay sau khi Liên Xô tan rã.

Thủ tướng Pashiyan giải thích: “Chúng tôi tin rằng, trong trường hợp của Armenia, hiệp ước đã không được thực thi, đặc biệt là vào năm 2021-2022, và nó không thể không được chú ý. Chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước này. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo”.

Armenia bắt đầu từ chối tham dự một số sự kiện và cuộc tập trận quân sự của CSTO vào năm ngoái. Tuy nhiên, Thủ tướng Pashinyan trước đây cho biết Yerevan không có kế hoạch chính thức cắt đứt quan hệ với khối. Tuy nhiên, ông kêu gọi khối và lãnh đạo Nga ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan và lên án “sự hung hăng” của nước này trong khu vực.

Đầu tháng này, Yeveran và Baku đổ lỗi cho nhau về việc để nổ ra một cuộc đọ súng ở biên giới khiến 4 binh sĩ Armenia thiệt mạng và một lính biên phòng Azerbaijan bị thương.

Hai nước láng giềng vùng Kavkaz đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập với Armenia.

Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt xung đột.

Ngày 19/9/2023, Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến Nagorno-Karabakh và chỉ sau một ngày giao tranh, nước này tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát khu vực này khi lực lượng người sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng.

Gần đây, hôm 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã nhất trí giải quyết bất đồng giữa hai nước thông qua các biện pháp hòa bình.

Thủ tướng Đức đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp 3 bên với các nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia bên lề Hội nghị an ninh Munich. Cam kết tránh xung đột cho thấy căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ hoan nghênh tiến triển đàm phán hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia
Mỹ hoan nghênh tiến triển đàm phán hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia

Ngày 21/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong tiến trình hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN