Các nước đối tác đánh giá cao tiến triển tích cực trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), dù nhiều dự án gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cụ thể, 12/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của MPAC 2025 gồm Cơ sở hạ tầng bền vững, Đổi mới số, Kho vận liên thông, Tối ưu hóa hoạch định, Dịch chuyển người dân, đang được triển khai. Ba sáng kiến còn lại trong lĩnh vực chiến lược “Đổi mới số” và “Dịch chuyển người dân” đang trong quá trình chuẩn bị dự án.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực chiến lược Cơ sở hạ tầng bền vững, các dự án trong Danh sách các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Việc xây dựng các mạng lưới thành phố nhằm triển khai Chiến lược Đô thị hóa bền vững ASEAN (ASUS) cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Khuôn khổ về nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được thông qua vào tháng 6 với chương trình tăng cường năng lực cấp khu vực trong giai đoạn 2021-2023. Dự án “Phát triển Cơ sở dữ liệu mở ASEAN” trong lĩnh vực chiến lược “Đổi mới số” dự kiến chuyển sang giai đoạn triển khai trong tháng 9. Dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến thương mại và khuôn khổ nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng” trong lĩnh vực chiến lược “Kho vận liên thông” đã hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 7/2020, và dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.
Tại cuộc họp, Đại sứ Trưởng Phái đoàn các nước đối tác của ASEAN (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Đức, Canada, New Zealand, Na Uy…) đánh giá cao nỗ lực của ASEAN thời gian qua trong việc thúc đẩy kết nối nội khối cũng như kết nối giữa ASEAN và khu vực, khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai các dự án trong khuôn khổ MPAC 2025 cũng như kết nối nói chung (như Cơ chế một cửa ASEAN do Mỹ hỗ trợ, Chương trình học bổng Lãnh đạo trẻ ASEAN do Trung Quốc hỗ trợ, Mạng lưới thành phố thông minh do Nhật hỗ trợ, Cơ sở dữ liệu mở ASEAN do Hàn Quốc hỗ trợ, Chiến lược Đô thị hóa bền vững ASEAN do Australia hỗ trợ, Chiến lược truyền thông Kết nối ASEAN do Đức hỗ trợ …) nhằm tăng cường gắn kết xây dựng cộng đồng ASEAN, và gắn kết giữa ASEAN và các đối tác, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Các nước cũng thảo luận các biện pháp để thúc đẩy MPAC 2025 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khẳng định các lĩnh vực chiến lược của MPAC 2025 rất phù hợp với Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu COVID-19.
Cuộc họp nhấn mạnh cần tăng cường sự phối hợp và kết nối giữa MPAC 2025 và một số sáng kiến về kết nối của các đối tác, cũng như tăng cường triển khai cụ thể các Tuyên bố giữa ASEAN và các đối tác thông qua trong năm 2019, bao gồm Tuyên bố Cấp cao ASEAN +3 về sáng kiến “Liên kết các kế hoạch kết nối”; Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Nhật lần thứ 22 về Kết nối; Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về phối hợp MPAC 2025 và sáng kiến Vành đai Con đường.
MPAC là kế hoạch chiến lược được Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua tháng 10/2010 tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy kết nối nội khối của ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác, hướng tới một cộng đồng ASEAN được kết nối thông suốt, không rào cản. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào vào tháng 9/2016, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua MPAC 2025 với tầm nhìn tạo ra một ASEAN kết nối và liên kết toàn diện, thông suốt.
ACCC được thành lập nhằm theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Hội nghị Cấp cao ASEAN về tình hình và thách thức trong việc triển khai MPAC 2025. Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN tại Jakarta đồng thời là thành viên đại diện tham gia ACCC. Cuộc họp tham vấn của ACCC với các đối tác đối thoại và các đối tác khác là cơ chế họp được tổ chức thường niên từ năm 2017, nhằm nâng cao nhận thức về MPAC 2025, thu hút nguồn lực từ các đối tác để triển khai cac dự án trong khuôn khổ MPAC 2025.