Bàn về tính chất của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng trong mối tương quan với đặc điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tác giả Rudi Winandoko, nhà ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Inđônêxia, có bài viết “ASEAN có thể học được gì từ cuộc khủng hoảng châu Âu” đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta” số ra mới đây. Tác giả đã có những so sánh, phân tích nguyên nhân cuộc khủng hoảng, từ đó kiến giải một số bài học kinh nghiệm về hội nhập kinh tế đối với ASEAN. Sau đây là nội dung bài viết:
Hình minh họa về tình trạng nguy cấp của Eurozone đăng trên trang ft.com. |
ASEAN và EU có những đặc điểm xã hội và kinh tế rất khác nhau. Tính theo GDP, sức mạnh kinh tế của EU gấp hơn 9 lần so với ASEAN. EU bắt đầu tiến trình hội nhập từ năm 1958, một khoảng thời gian dài trước khi có Tuyên bố Băngcốc về thành lập ASEAN vào năm 1967. Dù có sự khác biệt như vậy, cuộc khủng hoảng nợ ở EU hiện nay có thể mang lại cho ASEAN bài học quý giá trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng khu vực châu Âu được kích hoạt bởi nhiều yếu tố phức tạp. Các nhà kinh tế dẫu tranh luận về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng, nhưng ở đây tồn tại ít nhất ba yếu tố liên quan với nhau mà ASEAN có thể đúc rút kinh nghiệm.
Trước hết là chênh lệch về khả năng cạnh tranh kinh tế của các nước thành viên. Điều đó tạo ra sự mất cân bằng thương mại. Những nền kinh tế mạnh, chẳng hạn như Đức, đạt giá trị xuất khẩu vượt xa nhập khẩu. Trong khi đó, các nền kinh tế yếu như Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha (PIIGS) lại chịu điều kiện ngược lại.
Sản phẩm xuất khẩu của các nước PIIGS bị mất khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, buộc họ phải dựa nhiều hơn vào các khoản nợ để trang trải cho thâm hụt thương mại. Đồng euro, với tư cách là một đồng tiền chung, đang làm trầm trọng thêm tình hình, do PIIGS không thể độc lập phá giá tiền tệ để làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn.
Chính bởi sự mất cân bằng thương mại kéo dài, các nền kinh tế yếu kém buộc phải nợ chồng nợ chất đến mức mà họ không thể trả thêm được. Hành xử của họ được thúc đẩy bởi một thực tế là sự khuyến khích đi vay nợ tăng lên cùng với tỷ lệ lãi suất giảm sau khi các nước đó gia nhập Eurozone.
Lý do thứ hai là thiếu cam kết từ các nhà lãnh đạo EU. Hiệp ước Maastricht năm 1992 nêu rõ, các thành viên Eurozone chỉ có thể có tối đa 3% GDP trong giới hạn được vay hàng năm và tỷ lệ nợ trên GDP là 60% để đảm bảo sự ổn định của Eurozone và ngăn chặn hành vi tài chính thiếu thận trọng. Nhiều năm sau đó, mọi người dường như quên rằng họ từng có những giới hạn như vậy.
Không cần thiết để nói rằng Hy Lạp đã bỏ qua quy định hạn chế này, dẫn đến mức thâm hụt ngân sách là 12% GDP và tỷ lệ nợ/GDP lên đến 160%. Một số phương tiện truyền thông cáo buộc Hy Lạp lợi dụng quy định của Hiệp ước Maastricht bằng cách sử dụng các dẫn xuất và kỹ thuật tài chính phức tạp. Điều gây quan ngại là Đức và Pháp - hai quốc gia lớn nhất trong Eurozone - cũng vượt quá các quy tắc tối thiểu bằng cách làm cho ngân sách thâm hụt lần lượt 4% và 7% GDP, cũng như tỷ lệ nợ/GDP là 83% và 82%. Điều đó dẫn đến một nhận thức rằng các nhà lãnh đạo EU không thể duy trì các quy tắc riêng của họ.
Mới đây, các nước thành viên EU, trừ Anh và CH Séc, đã ký một hiệp ước tài chính mang tính bước ngoặt nhằm cải cách các thỏa thuận trước đó. Họ làm các quy tắc trở nên chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc dành cho Tòa án Tư pháp châu Âu quyền kiểm tra liệu các nước có thực hiện các quy tắc ngân sách một cách đúng đắn, cũng như quyền tạo ra một cơ chế tự động buộc các quốc gia điều chỉnh ngân sách của họ. Việc các nước liên quan có thực sự triển khai các quy định mới một cách nhất quán hay không còn cần phải đợi thời gian chứng minh.
Lý do thứ ba là sự mất tự tin trong tất cả các quốc gia thành viên Eurozone. Yếu tố này là câu trả lời chung cho tất cả các nguyên nhân đã đề cập. Thị trường trở nên lo lắng về việc đồng euro có tiếp tục được duy trì và các nhà lãnh đạo có khả năng kiềm chế cuộc khủng hoảng hay không.
Quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn trở nên rõ nét khi các cơ quan xếp hạng tín nhiệm phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng cách giảm mức xếp hạng tín dụng quốc gia của hàng loạt nền kinh tế yếu ớt dưới mức đầu tư, tức là thứ "vô giá trị" - mặc dù không ít nhà phê bình lập luận rằng các cơ quan xếp hạng dường như đã phản ứng thái quá vì đã không đưa ra một cảnh báo thích hợp trước khi khủng hoảng bùng phát.
ASEAN là tổ chức khu vực hội nhập nhất trong số các nước đang phát triển. Hiệp hội này có thể không coi EU là một hình mẫu cho sự phát triển kinh tế, nhưng có một điều không thể phủ nhận là ASEAN có thể rút ra hiểu biết sâu sắc về việc hội nhập kinh tế cần được xử lý cẩn thận như thế nào.
Bài học quan trọng cho ASEAN là mọi sự hội nhập kinh tế nên bắt đầu với những nỗ lực để đạt được sự phát triển kinh tế như nhau ở mỗi nước thành viên. Điều quan trọng là tránh được sự mất cân bằng kinh tế như đang xảy ra ở Eurozone. Nếu muốn tăng cường hội nhập, ASEAN phải đảm bảo tất cả các nước thành viên phát triển kinh tế với cùng một nhịp độ và không nước nào bị tụt lại phía sau.
Hiện tại, sự mất cân bằng kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN có thể có ảnh hưởng rất ít tới sự phát triển của ASEAN. Trong ASEAN, quy mô quan hệ thương mại với các đối tác bên ngoài nhiều hơn đáng kể so với thương mại nội khối, nên các nước thành viên có vẻ dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài ASEAN hơn là bên trong khu vực. Tăng trưởng bền vững trong khu vực chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia thành viên ở trong cùng một giai đoạn phát triển.
Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của EU, ASEAN cũng cần tạo ra một cơ chế đảm bảo phản ứng nhanh và thích hợp khi có một cuộc khủng hoảng xảy ra. Độ tin cậy đối với ASEAN là cần thiết để thị trường tin rằng ASEAN có thể xử lý ổn thỏa cuộc khủng hoảng.
Chống lại toàn cầu hóa cũng giống như không tuân theo quy luật của lực hấp dẫn. Hội nhập kinh tế là không thể tránh khỏi và các hiệp định thương mại là cần thiết để làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy vậy, khi các quốc gia càng hội nhập thì càng dễ bị tổn thương hơn bởi các vấn đề nội bộ của nước khác. ASEAN, với ý thức về cộng đồng, cần xử lý quá trình hội nhập của mình một cách cẩn thận để có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp.
Nguyễn Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Inđônêxia)