ASEAN tăng cường ứng phó với rủi ro thiên tai

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhân cuộc họp lần thứ 7 Diễn đàn Toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai (GP2022) diễn ra từ ngày 23-28/5 tại đảo Bali (Indonesia), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với thiên tai, với nhiều cam kết cụ thể.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt tại Đông Flores, Indonesia, ngày 4/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nước ASEAN nhất trí tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi sau các hiểm họa đa dạng thông qua việc thực hiện Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD), thúc đẩy phối hợp liên ngành và mạng lưới hợp tác nội khối với các trung tâm hoặc tổ chức liên quan trong và ngoài khu vực nhằm phát triển các hệ thống cảnh báo sớm và tầm nhìn chiến lược phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.

ASEAN cũng nhất trí tăng cường tham gia vào quan hệ đối tác với tất cả các cơ quan, các ngành liên quan nhằm đóng góp việc thực hiện hiệu quả Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), cũng như tăng cường quản trị rủi ro thiên tai đa tầng và đa ngành nhằm nâng cao khả năng ứng phó.

ASEAN sẽ tiếp tục đảm bảo lồng ghép chương trình nghị sự về quản lý và ứng phó với thiên tai vào các chính sách và chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với khí hậu ở cấp vùng, cấp quốc gia, cấp địa phương và cộng đồng. Đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quốc gia và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tăng cường khả năng phục hồi tài chính nhằm ứng phó với thảm họa thiên tai thông qua chương trình Tài trợ và Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI); củng cố Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF); tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; mở rộng các cơ chế tài trợ và huy động nguồn lực của ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ khuyến khích sự đóng góp của người dân và cách tiếp cận toàn xã hội trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau thiên tai, tiến tới thiết lập cơ chế cho phép người dân ASEAN đóng góp hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai trong khu vực.

ASEAN cũng nhất trí tăng cường sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới trong việc xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai; thúc đẩy dữ liệu mở và chia sẻ dữ liệu; tăng cường hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao khả năng phục hồi của các cơ sở hạ tầng; thúc đẩy thực hiện Giảm thiểu Rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái (Eco-DRR); xây dựng các quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các đối tác.

Nhân dịp này, các nước ASEAN cũng cam kết hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN để trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về quản lý thiên tai thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn; cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với rủi ro thiên tai.

Hữu Chiến (TTXVN)
Chủ động thích ứng trước rủi ro thiên tai
Chủ động thích ứng trước rủi ro thiên tai

Được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Cà Mau đã và đang tích cực triển khai những giải pháp nhằm chủ động trong phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong phòng, chống rủi ro do thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN