Phát biểu tại cuộc họp ACMF lần thứ diễn ra ngày 21/3 tại Yogyakarta, Giám đốc điều hành của OJK về thị trường vốn, phái sinh tài chính và giám sát giao dịch carbon, ông Inarno Djajadi, nhấn mạnh: “Đến năm 2030, chúng ta cần có khả năng hiện thực hóa Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu không phát thải ròng”. Ông khẳng định rằng với tư cách là một nhóm điều tiết thị trường vốn khu vực, ACMF có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi kinh tế của các nước ASEAN sang nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là trong 6 lĩnh vực được ưu tiên trong Bộ phân loại ASEAN 1.
Theo ông Djajadi, ACMF sẽ xây dựng hướng dẫn giúp các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi một cách minh bạch và đáng tin cậy. Cuộc họp ACMF lần thứ sẽ thảo luận về việc xây dựng hướng dẫn Thị trường carbon tự nguyện (VCM), tập trung vào các khía cạnh công bố thông tin. ACMF sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Ủy ban Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB) khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin về tính bền vững, nâng cao nhận thức, năng lực kỹ thuật kinh tế xanh và thúc đẩy chuyển giao kiến thức.
Năm nay, ACMF dự kiến sẽ ra mắt Trung tâm Kiến thức tài chính bền vững, Làn xanh ASEAN và công bố Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) sửa đổi, trong đó lồng ghép các yếu tố bền vững để phù hợp với các nguyên tắc sửa đổi của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngoài ra, dựa vào Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh, xã hội và bền vững ASEAN được công bố năm 2017 và 2018, tính đến ngày 15/3, các nước ASEAN đã phát hành các loại trái phiếu xanh, xã hội và bền vững với tổng trị giá ,06 tỷ USD.
Cũng trong ngày 21/3, phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) diễn ra từ ngày 20-23/3 tại tỉnh Trung Java, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga bày tỏ lạc quan rằng Indonesia - với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023 - sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Thứ trưởng Jerry nhấn mạnh là quốc gia đông dân nhất ASEAN và có vai trò quan trọng trong khu vực về quy mô và nền kinh tế, Indonesia có những điều kiện để dẫn dắt ASEAN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Ông cho biết trong khuôn khổ AEM, Indonesia đề xuất 7 mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED). Ngoài ra, nhiều hoạt động cũng sẽ được tổ chức trong năm nay như Ngày Bán hàng trực tuyến ASEAN (AOSD), lễ khởi động chính thức Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi Philippines hoàn tất quy trình phê chuẩn...
Theo Thứ trưởng Jerry, ASEAN đã trở thành khối kinh tế lớn với trao đổi thương mại đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 7,5% thương mại toàn cầu và tăng mạnh so với mức 2.000 tỷ USD của năm 2010. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế ASEAN đang cho thấy khả năng phục hồi tốt và được dự báo sẽ tăng trưởng 11% trong năm nay.
Về quan hệ hợp tác thương mại với ASEAN, Thứ trưởng Jerry cho biết trong 5 năm qua, thặng dư thương mại của Indonesia với ASEAN liên tục gia tăng. Riêng năm nay, cán cân thương mại của Indonesia với ASEAN đã thặng dư 1,42 tỷ USD vào tháng 1/2023. Trong 9 nước thành viên ASEAN còn lại, Indonesia chỉ ghi nhận thâm hụt thương mại với Thái Lan (398,8 triệu USD) và Lào (10,8 triệu USD).