Thông điệp “Một ASEAN Tự cường và Sáng tạo”, như chủ đề do nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 Singapore đưa ra, đã được các nước ASEAN hiện thực hóa, thông qua việc phối hợp tự giải quyết các vấn đề đang tồn tại, đối phó với những thách thức chung và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm của mình trong khu vực.
Những thành quả của ASEAN trong 1 năm qua kể từ khi bước sang tuổi 51 là minh chứng rằng việc phát huy và kết hợp tính tự cường và khả năng sáng tạo của cả 10 nước thành viên có thể tạo nên sức mạnh đoàn kết, đem lại lợi ích cho toàn khối cũng như từng thành viên. Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, mục tiêu liên kết hướng tới khu vực kinh tế năng động đang đạt tiến triển với việc triển khai Kế hoạch hành động IAI (sáng kiến liên kết) lần thứ III.
Đáng chú ý là 53,8% các mục tiêu trong 5 lĩnh vực chiến lược như: lương thực, nông nghiệp, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ, giáo dục và y tế đã được giải quyết. ASEAN cũng đạt được những bước tiến về hội nhập dịch vụ, hay hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế kỹ thuật số, hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững, an toàn , sáng tạo, toàn diện và hợp nhất.
Những bước tiến trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với việc thống nhất các ưu tiên mà ASEAN dành cho RCEP với tư cách là một trung tâm trong mối quan hệ kinh tế ngoại khối, đã thể hiện vai trò chủ động của ASEAN như một trong những đầu tàu tăng trưởng và kết nối kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn hệ thống thương mại quốc tế đang đối mặt với những bất ổn khó lường.
Từ cam kết tại Hội nghị bộ trưởng các nước đàm phán RCEP hồi tháng 7 vừa qua ở Tokyo, Nhật Bản, tới sự nhất trí tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 vừa diễn ra ở Singapore, về việc sớm hoàn tất RCEP để đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế tân tiến, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cơ hội thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới mà ASEAN là trung tâm đang ngày càng hiện rõ.
Một ASEAN đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đang được các nước thành viên xây dựng trong lộ trình hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN ra đời theo đề xuất được các nhà lãnh đạo ASEAN công bố tại hội nghị cấp cao diễn ra tháng 5/2018, là bước đi phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh đô thị hóa đang phát triển rất mạnh, cùng quá trình phát triển như vũ bão của công nghệ và số hóa.
Với sự tham gia của 26 thành phố, trong đó Việt Nam có 3 thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), ASEAN đang triển khai đúng hướng kế hoạch cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái chung, tận dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện đời sống của người dân tại các thành phố tham gia mạng lưới cũng như tạo sự liên kết với các thành phố khác trong khu vực, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của mỗi quốc gia và cả khu vực. Đây cũng là minh chứng sinh động cho tính tự cường và sáng tạo của ASEAN trong giai đoạn mới.
Năng lực “tự cường và sáng tạo” của ASEAN còn được thể hiện trong việc 10 quốc gia thành viên cùng đồng hành ứng phó với các mối đe dọa, hay giải quyết những thách thức chung. Việc 10 nước ASEAN ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững hồi tháng 7 vừa qua, trong đó đưa ra những cam kết trong vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… có thể coi là “hình mẫu” của sự chung tay và liên kết cùng vượt qua khó khăn để trở thành một khối thống nhất. Trong khi đó, việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về “văn bản duy nhất” đàm phán COC là kết quả những nỗ lực kiên trì của khối trong đối thoại mang tính chất xây dựng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông.
Trên bình diện khu vực, vai trò của ASEAN càng được khẳng định trong bối cảnh tổ chức này đang là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ và các đồng minh chủ chốt đang triển khai. Tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa đề cao vị trí hàng đầu của ASEAN trong chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" của Washington; Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh ASEAN có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt ở khu vực Đông Nam Á và có kết nối mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Ấn Độ, Hàn Quốc… đều coi ASEAN là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, giai đoạn phát triển mới cũng đồng nghĩa với những thách thức mới. Những diễn biến phức tạp trong môi trường địa chính trị cùng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại một khu vực có vai trò chiến lược như ASEAN cũng đặt ra bài toán buộc ASEAN phải cân bằng được các mối quan hệ với các đối tác để tiếp tục duy trì môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
Bên cạnh đó, việc các nước ASEAN chưa thể thu hẹp đáng kể khoảng cách phát triển cũng trở thành rào cản, đôi khi khiến những nỗ lực nhằm dung hòa, cân bằng lợi ích chung với lợi ích của từng nước khó thành công. Những mối đe dọa an ninh cũng ngày càng tăng, trong đó có những vấn đề cấp thiết như an ninh mạng, khủng bố… Bản thân cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội phát triển to lớn song cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho từng nước ASEAN trong chặng đường cùng phát triển…
Mong ước chung về một ASEAN có tiềm lực cả về chính trị và kinh tế, có vai trò trung tâm, một ASEAN gắn kết, đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng... đã trở thành cầu nối để các nước ASEAN cùng quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong giai đoạn phát triển mới, rõ ràng ASEAN cần tích cực và chủ động hơn nữa để biến mong ước sớm thành hiện thực.