Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Môi trường và Nước Australia Tanya Pliberse cho biết Chính phủ sẽ chi 150 triệu đô la Australia (AUD - 100 triệu USD) cho việc phục hồi đất ở các lưu vực đang đẩy một lượng lớn trầm tích vào các con sông chảy vào rạn san hô mang tính biểu tượng này. Khoản kinh phí này là một phần trong ngân sách 1,2 tỷ AUD dành cho việc bảo vệ rạn san hô được chính phủ thông báo trước đó.
Các dự án được hỗ trợ sẽ gồm làm rào chắn, xây dựng các công trình nhằm cải tạo bờ sông, trồng lại cây xanh và quản lý việc chăn thả gia súc. Ngoài việc cải thiện chất lượng nước ở rạn san hô, các dự án cũng sẽ khôi phục môi trường sống và cải thiện khả năng hấp thụ carbon.
Theo bà Pliberse, một trong những điều mang tính biểu tượng nhất của rạn san hô Great Barrier là làn nước trong vắt như pha lê chảy qua. Tuy nhiên, làn nước mang tính biểu tượng này và bản thân rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa từ trầm tích và các dòng chảy khác đổ vào. Chất lượng nước kém khiến san hô không thể tái sinh, làm chết cỏ biển và cản trở khả năng tiếp cận ánh sáng Mặt Trời - vốn rất cần thiết cho một rạn san hô khỏe mạnh.
Trải dài khoảng 2.400km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2022, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến nghị đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm.