Chia sẻ với báo giới tại Canberra, ông Payne cho biết Australia sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các chuyến bay giải cứu tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thu đô Kabul. Tuy nhiên, ông không đề cập cụ thể liệu 250 quân nhân mà nước này triển khai tới Afghanistan để hỗ trợ có tiếp tục ở lại Kabul hay không nếu công tác sơ tán kéo dài.
Hiện Chính phủ Australia đang chịu nhiều sức ép trong công tác giải cứu công dân Australia và người Afghanistan đã hỗ trợ quân đội nước này trong 20 năm hiện diện tại đây. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo "dường như không thể" giải cứu toàn bộ người Afghanistan đã hỗ trợ, mà chỉ có thể cấp thị thực cho khoảng 3.000 người theo chương trình visa nhân đạo hiện có của nước này.
Australia là một phần trong lực lượng quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu, triển khai tại Afghanistan kể từ năm 2001. Trong 20 năm này, có trên 39.000 binh sĩ của Australia từng phục vụ tại đây, trong đó 41 người đã thiệt mạng.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden thông báo quân đội Mỹ có thể lưu trú tại Afghanistan sau thời hạn chót ngày 31/8 đưa ra trước đó để sơ tán công dân Mỹ. Đến nay, Australia đã sơ tán khoảng 1.000 công dân và người Afghanistan khỏi Kabul.
Trong diễn biến liên quan, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 23/8 thông báo nước này sẽ cử 1 máy bay quân sự tới Afghanistan để đưa công dân về nước, cùng các nhân viên Afghanistan làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản hoặc phái bộ của Nhật Bản tại nước này.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, nhiều nước đã nhanh chóng đưa quân tới Afghanistan hỗ trợ công tác sơ tán tại sân bay Hamid Karzai. Trong tuyên bố ngày 22/8, Tổng thống Mỹ Biden nhận định tình hình tại sân bay này đang nguy hiểm. Trong ngày 20/8, tình trạng tắc nghẽn đã xảy ra và nhiều chuyến bay sơ tán chỉ được nối lại sau nhiều giờ.