Bộ trưởng Pitt khẳng định Australia có nguồn than đá với chất lượng cao nhất thế giới, vì vậy nước này có thể tiếp tục duy trì thị trường than trong nhiều thập kỷ tới. Ông khẳng định nhu cầu về than vẫn tiếp tục tăng cho đến năm 2030, do vậy nếu Australia không chiếm lĩnh thị trường này, các quốc gia khác cũng sẽ thay thế Australia.
Australia là một trong những nước sản xuất than và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong các đợt hạn hán và cháy rừng khốc liệt do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra trong những năm gần đây. Hiện vẫn còn khoảng 300.000 người dân nước này làm việc trong lĩnh vực phụ thuộc vào khai thác than.
Tháng trước, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã công bố kế hoạch đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Trong khi giới quan sát đánh giá kế hoạch trên thiếu chi tiết và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ đột phá trong trong tương lai, Hội đồng Khai khoáng Australia, đại diện cho các tập đoàn khai khoáng lớn như BHP và Rio Tino, tin rằng Australia sẽ đạt mục tiêu kể trên vào năm 2050 nếu chú trọng đầu tư vào công nghệ nhằm giảm thiểu phát thải.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh), quốc gia châu Đại dương này từ chối tham gia hiệp ước loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu. Tại hội nghị này, hơn 40 quốc gia, trong đó có cả các quốc gia sử dụng điện than nhất thế giới, đã tích cực vận động và cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng điện than vào năm 2030 đối với các quốc gia phát triển và năm 2040 với các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia và tổ chức lớn, bao gồm Mỹ, Canada và Anh, cũng cam kết không cấp tài chính cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm sau. Ngoài Australia, các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc sẽ chấm dứt hoặc ấn định thời hạn loại bỏ điện than.