Armenia đang triển khai thiết bị quân sự, hệ thống pháo binh và nhân sự đến biên giới với Azerbaijan và Baku sẽ đáp trả kiên quyết bất kỳ hành động khiêu khích nào, tờ Vedomosti ngày 1/4 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết.
Một ngày trước đó, các tài khoản trên kênh Telegram ở Armenia đã đăng tải đoạn video về hành động được cho là việc di chuyển lực lượng Armenia đến biên giới gần làng Yeraskh, điều mà Yerevan phủ nhận.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết trong một thông cáo: "Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Azerbaijan rằng lực lượng vũ trang Armenia đang tập trung nhân lực, khí tài và pháo binh gần khu vực biên giới là không liên quan gì đến tình hình thực tế".
Theo Bộ Quốc phòng Armenia, thông tin và hình ảnh đoàn xe của lực lượng vũ trang nước này tham gia quá trình huấn luyện đã được phổ biến trên một số kênh Telegram, miêu tả rằng đây là hành động quân sự hướng tới biên giới là sai sự thật. Yerevan đánh giá tình hình hiện nay ở biên giới Armenia-Azerbaijan là ổn định và cho rằng không cần thêm biện pháp nào để bảo vệ biên giới.
Nhận định về vấn đề trên, Niyazi Niyazov, Tiến sĩ khoa học lịch sử và chuyên gia người Azerbaijan về an ninh quân sự của các nước Nam Caucasus, cho rằng Armenia đang "bắn một mũi tên trúng 2 đích" bằng cách di chuyển lực lượng quân sự đến biên giới với Azerbaijan.
Một mặt, chính quyền Armenia đang tìm cách thuyết phục công chúng về sự cần thiết phải trả lại các khu định cư từ Azerbaijan bằng cách tạo ra mối lo ngại về việc nối lại các hoạt động quân sự với Baku. Mặt khác, Yerevan đang nỗ lực giành được sự hỗ trợ về quân sự và tài chính từ các nước phương Tây bằng cách lợi dụng mối đe dọa về một cuộc chiến tranh mới.
Về phần mình, Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô Viết tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), nhận định căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan thỉnh thoảng xảy ra khi Yerevan tìm cách ngăn cản đạt được thỏa thuận với Baku. Mặc dù chính quyền Armenia đã thể hiện rằng họ sẵn sàng ký kết một hiệp ước hòa bình với Azerbaijan, nhưng trên thực tế, các bên thậm chí còn chưa tiến gần đến triển vọng này.
“Các ngôi làng tranh chấp ở cả hai bên [biên giới] là trở ngại trong vấn đề phân định cắm mốc biên giới. Mặc dù các bên đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vấn đề này nhưng các cuộc đàm phán không đạt được kết quả cụ thể nào. Quá trình phân giới cắm mốc chưa có kết quả cụ thể và thậm chí không có gì đảm bảo rằng nó sẽ bắt đầu trong tương lai gần", chuyên gia trên nhấn mạnh.