Theo hãng tin Theo AFP, Azerbaijan ngày 18/9 đã chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vì nói rằng Baku đã khơi mào xung đột biên giới với Armenia trong chuyến thăm của bà tới Yerevan.
Theo Azerbaijan, nhận xét của bà Pelosi rằng Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công "bất hợp pháp" vào chủ quyền của Armenia là "không có cơ sở và không công bằng" và giáng một đòn nghiêm trọng vào các nỗ lực hòa bình.
"Những cáo buộc không có căn cứ và không công bằng của bà Pelosi chống lại Azerbaijan là không thể chấp nhận được. Bà Pelosi được biết đến như một chính trị gia ủng hộ người Armenia", Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan lưu ý: “Đây là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan".
Azerbaijan lặp lại lập trường của mình rằng cuộc giao tranh gần đây là kết quả của "một cuộc khiêu khích quân sự quy mô lớn" của Armenia, điều mà Yerevan bác bỏ.
Trước đó cùng ngày, bà Pelosi đã lên án điều được coi là một cuộc tấn công "bất hợp pháp" của Azerbaijan vào Armenia, vốn châm ngòi cho cuộc giao tranh tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến năm 2020 của họ.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ những cuộc tấn công đó. Armenia có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi vì vấn đề an ninh sau một cuộc tấn công bất hợp pháp và gây thương vong của Azerbaijan trên lãnh thổ Armenia", bà Pelosi nói.
Baku và Yerevan đã cáo buộc nhau gây ra vụ giao tranh ở biên giới hôm 13/9, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Armenia và Azerbaijan đã xảy ra hai cuộc chiến - vào những năm 1990 và vào năm 2020 - trên khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, một vùng đất có dân cư Armenia của Azerbaijan. Cùng với Pháp và Nga, Mỹ đồng chủ trì Nhóm hòa giải Minsk, nhóm đã dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài hàng thập kỷ giữa Baku và Yerevan dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.
Các nhà phân tích cho biết cuộc giao tranh gần đây phần lớn đã làm mất vai trò của phương Tây nhằm đưa Baku và Yerevan tiến gần hơn tới một thỏa thuận hòa bình.