Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tuyên bố này được đưa ra giữa lúc LHQ, Nga, Mỹ và nhiều nước khác kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng ngay các cuộc xung đột và chấm dứt leo thang quân sự.
Truyền thông Nga dẫn lời ông Bulbuloglu lập luận rằng suốt 22 năm qua, các nỗ lực giải quyết tranh chấp tại Nagorny Karabakh giữa Azerbaidjan và Armenia không đem lại kết quả dù theo ông này "Azerbaijan sẵn sàng giải quyết vấn đề theo cách hòa bình".
Các binh sĩ Azerbaidjan diễu hành. |
Đại sứ Polad Bulbuloglu tuyên bố "chúng tôi sẽ giải quyết bằng con đường quân sự". Theo ông Bulbuloglu, thỏa hiệp của Azerbaijan là quân đội Armenia phải rời khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp. Sau đó, nguyên thủ quốc gia hai nước sẽ đàm phán thảo luận việc hai dân tộc cùng chung sống trên khu vực Nagorny Karabakh.
Trong diễn biến khác có liên quan, tại họp Hội đồng An ninh quốc gia Armenia ngày 2/4, Tổng thống nước này, ông Serzh Sargsyan đã đề xuất soạn thảo Hiệp định hỗ trợ quân sự song phương với Cộng hòa Nagorny Karabakh (NKR) tự xưng. Theo ông, văn kiện này sẽ được trình lên Quốc hội xem xét.
Giao tranh trên diện rộng ở khu vực Nagorny Karabakh đã bùng phát trở lại vào rạng sáng 2/4. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết họ đã phản công để đáp lại hành động của Armenia. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan, quân đội Azerbaijan đã chiếm một số điểm cao và điểm dân cư chiến lược, cũng như phá hủy 6 xe tăng địch, 15 pháo và các lô cốt, giết và làm bị thương 100 tay súng đối phương. Ngoài ra, Baku cũng thừa nhận có 12 binh sĩ thiệt mạng, mất 1 trực thăng Mi-24 và một xe tăng bị hư hỏng.
Trong khi đó, Armenia bác bỏ những thông tin trên và cho biết binh lính Azerbaijan đã bị đẩy trở lại vị trí ban đầu và hứng chịu tổn thất lớn.
Nagorny Karabakh là vùng có đa số dân là người Armenia, nhưng bị sáp nhập vào Azerbaijan từ thời Liên Xô cũ. Vào đầu thập niên 1990, lực lượng người Armenia, với sự yểm trợ của chính quyền Erevan, đã kiểm soát được vùng này, sau một cuộc chiến khiến 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu là người Azerbaijan. Chiến tranh đã chấp dứt với lệnh ngưng bắn năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này.