Theo trang tin Euronews.com ngày 28/9, Na Uy và Đan Mạch sẽ tăng cường an ninh và giám sát xung quanh các địa điểm cơ sở hạ tầng năng lượng của họ sau vụ việc được cho là "phá hoại" đường ống dẫn khí Nord Stream của Nga ở Biển Baltic.
Bộ trưởng Năng lượng Na Uy cho biết, nước này - một quốc gia giàu dầu mỏ và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu - sẽ tăng cường an ninh tại các cơ sở năng lượng cả trên đất liền và ngoài khơi.
Cơ quan An toàn Dầu mỏ của quốc gia Bắc Âu này cũng khuyến cáo cảnh giác sau khi máy bay không người lái không xác định được phát hiện gần các giàn khoan dầu khí ngoài khơi của Na Uy.
"Chúng tôi đã nhận được một số cảnh báo/thông báo từ các công ty khai thác trên thềm lục địa Na Uy liên quan đến việc giám sát các máy bay không người lái/máy bay không xác định gần các cơ sở ngoài khơi. Các trường hợp máy bay không người lái xâm phạm vùng an toàn xung quanh các cơ sở năng lượng hiện đang được cảnh sát Na Uy điều tra", cơ quan trên cho biết trong một tuyên bố.
Về phần mình, Đan Mạch sẽ tăng cường an ninh toàn bộ hệ thống năng lượng của mình sau sự cố đường ống Nord Stream, một phát ngôn viên của nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt Energinet thông báo.
Cơ quan Hàng hải Đan Mạch cũng cho biết đã đã thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh chỗ rò rỉ, cảnh báo các tàu đi lại xung quanh và nguy cơ bốc cháy cả trên mặt nước và trên không từ lượng khí thoát ra.
Trong khi đó, cảnh sát Thụy Điển đã mở cuộc điều tra hình sự về "vụ phá hoại" đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, và đơn vị quản lý khủng hoảng của Thụy Điển đã được thành lập để theo dõi tình hình.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod, đồng thời trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt. Theo ông Kofod, EU cần có một "tuyên bố rõ ràng về các vụ nổ trong Biển Baltic".
"Bây giờ hãy tập trung vào việc điều tra chính xác những gì đã xảy ra và tại sao. Bất kỳ sự phá hoại nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu sẽ bị đáp trả với một phản ứng mạnh mẽ và có phối hợp", ông Kofod nhấn mạnh.
Đến nay, các bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đều tuyên bố rằng các vụ nổ nhằm vào đường ống chưa gây ra mối đe dọa quân sự.
Trước đó, Liên minh châu Âu đã tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào các mạng lưới năng lượng của châu Âu. “Tất cả thông tin hiện có đều cho thấy vụ rò rỉ là kết quả của một hành động có chủ ý”, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell thay mặt cho 27 thành viên của khối cho biết trong một tuyên bố.
Hai rò rỉ đã được phát hiện ở đường ống Nord Stream 1, mà Moskva đã đóng cửa hồi đầu tháng này để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Một vụ rò rỉ khác được phát hiện tại đường ống Nord Stream 2, vốn đã bị đóng băng sau khi xung đột nổ ra và đến nay chưa thể đi vào hoạt động.