Hãng tin Reuters dẫn lời của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh từ trước đến nay luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương; hợp tác thương mại của Trung Quốc với Iran là cởi mở và minh bạch, công bằng và hợp pháp, không vi phạm bất cứ nghị định nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ này khẳng định các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc cần được bảo vệ.
Về phần mình, Chính phủ Đức cho rằng các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran vi phạm luật quốc tế, và Berlin kỳ vọng Washington cân nhắc các quyền lợi của châu Âu khi đưa ra các biện pháp trừng phạt như vậy.
Trước đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Passauer Neue Presse, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Chúng tôi vẫn cho rằng quyết định (của Mỹ) từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran là một sai lầm. Chúng tôi đang đấu tranh cho thỏa thuận vì văn kiện này cũng phục vụ chính lợi ích của chúng tôi, bằng cách mang lại sự ổn định và minh bạch trong khu vực".
Nhấn mạnh Iran có vị trí địa lý gần với châu Âu, Ngoại trưởng Đức cảnh báo "bất kỳ ai hy vọng thay đổi chính quyền không được quên rằng những gì xảy ra tiếp theo có thể gây ra nhiều vấn đề lớn hơn rất nhiều cho chúng ta".
Ông Maas nhận định "cô lập Iran có thể thúc đẩy các lực lượng cực đoan", đồng thời nhấn mạnh "sự hỗn loạn ở Iran, như những gì mới trải qua ở Iraq hay Libya, sẽ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực vốn đã đầy bất ổn".
Quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran được Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Trump hồi đầu năm nay rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành Động Chung Toàn diện (JCPOA), được các cường quốc ký với Tehran vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra ngày 7/8 nhằm vào hoạt động mua đồng USD, giao dịch kim loại, than, phần mềm công nghiệp và lĩnh vực ô tô của Iran.