Nơi đây còn được biết đến với tên gọi là "Vùng Xanh" khi có tới 1.010 người sống trên 90 tuổi và cũng là một trong 5 khu vực trên thế giới có tỷ lệ người sống thọ đặc biệt cao.
Mỗi sáng sớm sau khi thức giấc, ông Saturnino "Sato" Lopez, 94 tuổi, bắt đầu một ngày mới bằng công việc bổ củi và đi bộ đường dài. Ông chia sẻ mỗi ngày ông ra khỏi nhà có thể đi bộ từ 1 đến 4km và trở về mà không có vấn đề gì về sức khỏe. Ông sống ở làng Dulce Nombre, nơi nhà dân được xây dựng từ những loại vật liệu gần gũi với thiên nhiên như gỗ, bùn,...và bao quanh làng là thảm động-thực vật phong phú.
Chia sẻ bí quyết sống khỏe và sống thọ của người dân tại đây, ông Lopez cho biết cuộc sống của họ gần như tự cung tự cấp, trồng gì ăn nấy, cụ thể là ngô, cơm, đậu... và ăn ít thịt động vật. Những người sống trên bán đảo đều người dân bản địa cùng con cháu họ.
Tuy nhiên, giờ đây lối sống nơi đây phần nào đã có sự thay đổi. Ông Jose Villegas, 105 tuổi, cho biết trước kia mọi thứ lành mạnh hơn và mọi người thân thiết, gắn bó với nhau hơn. Thế hệ trẻ ngày nay có chế độ ăn uống khác trước đây và có nhiều người mắc các bệnh như béo phì và tiểu đường.
Theo Gilbert Brenes, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Costa Rica, dân số cao tuổi ở "Vùng Xanh" này có thể đạt mức cao nhất trong 20 hoặc 30 năm tới và sau đó giảm dần.
Vào cuối thế kỷ 20, nhà nhân khẩu học Michel Poulain và nhà vật lý Gianni Pes đã đánh dấu trên bản đồ vùng Barbalia thuộc Sardinia của Italy là nơi có nhiều người sống thọ. Đến năm 2005, một tác giả người Mỹ và đồng nghiệp có tên Dan Buettner đã phát hiện ra những vùng đất tương tự, gồm Loma Linda ở bang California (Mỹ), Ikaria (Hy Lạp) và Okinawa (Nhật Bản).