Phiên giao dịch ngày 13/6 tiếp tục ghi nhận đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi chỉ số S&P 500 lập mức đáy mới của năm và đóng cửa trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (thị trường gấu - bear market - xảy ra khi các loại chứng khoán rớt giá liên tục, ít nhất 20%, và trong một thời gian dài). Việc giới đầu tư quan ngại về dữ liệu liên quan đến lạm phát dự kiến được công bố vào ngày 17/6 khiến thị trường tiếp tục giảm điểm sau phiên bán tháo mạnh hồi cuối tuần trước.
Chốt phiên ngày 13/6, chỉ số S&P 500 giảm 151,23 điểm, tương ứng với mức giảm 3,9%, khi 495 trên tổng số 500 mã chứng khoán giảm giá. S&P 500 hiện đứng ở mức 3.749,63 điểm, giảm 20% so với mức đỉnh từng được thiết lập hồi tháng 1 vừa qua, đưa chứng khoán trên sàn này chớm vào thị trường đầu cơ giá xuống lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Chỉ số Down Jones công nghiệp cũng giảm 876,05 điểm, tương đương mức giảm 2,8%, xuống còn 30.516,74 điểm. Đà giảm của các cổ phiếu công nghệ thậm chí còn lớn hơn, khi chỉ số Nasdaq bốc hơi 530,80 điểm, mất 4,7%, xống còn 10.809,23 điểm, giảm 33% so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021.
Từ đầu năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua nhiều phiên rung lắc mạnh khi giới đầu tư cố tìm cách đoán định FED sẽ siết chặt tiền tệ ở mức nào trong điều hành lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát leo thang ở mức đỉnh. FED sẽ có cuộc bàn về chính sách kéo dài trong hai ngày (14-15/6) và giới phân tích cho rằng cơ quan này sẽ ra thông báo về một đợt tăng lãi suất mới, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong ngày 17/6.
Khi thị trường phản ứng với xu hướng tăng lãi suất cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế, cổ phiếu rớt giá và tiến sát hơn đến vùng thị trường đầu cơ giá xuống. Cổ phiếu của các công ty công nghệ, vốn trải qua chu kỳ tăng giá bùng nổ trong thời đại dịch, ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Chốt phiên, cổ phiếu Apple mất giá 3,8%, Amazon giảm 5,5%, cổ phiếu hãng chế tạo chip Nvidia giảm 7,8%, Tesla rớt giá 7,1%. Cổ phiếu Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, bốc hơi 6,4%.
Đi ngược với cổ phiếu là đà tăng giá của trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong phiên giao dịch ngày 13/6 tăng, khi giới đầu tư lo ngại lạm phát kéo dài có thể đẩy FED tăng lãi suất với biên độ mạnh hơn, tần suất dồn dập hơn so với kế hoạch trước đó. Mức lợi suất với trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,371%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
“Đó là những gì bạn có thể gọi là thị trường đầu cơ giá xuống, nơi mà nỗi lo sợ lấn át, đẩy nhiều người rút khỏi thị trường, đẩy giới đầu tư bán hết danh mục đầu tư”, ông Todd Morgan, Chủ tịch hãng tư vấn Bel Air Investment Advisors có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), nhận định.
Theo chuyên gia này, những diễn biến mới trong vòng 1-2 tháng tới có thể giúp xoa dịu sức ép lạm phát. Đó là việc tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ giảm xuống sau thời điểm mùa hè, nhu cầu sưởi ấm cũng giảm. Trung Quốc cũng đang mở cửa trở lại nền kinh tế, giúp xử lý những ách tắc, điểm nghẽn về chuỗi cung ứng. Dữ liệu cập nhật cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã tăng khá, sau khi các biện pháp phong tỏa phòng dịch được nới lỏng.
Do ảnh hưởng từ phiên bán tháo tại thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á nối dài đà giảm điểm trong phiên giao dịch sáng ngày 14/6. Tính đến thời điểm 10 giờ sáng (giờ Hà Nội), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 525,44 điểm, tương đương mức giảm 1,93%; chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc mất 212,08 điểm, giảm 1,23%. Còn tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 41,30 điểm, giảm 1,27%.