Nhiều đợt nâng lãi suất nữa có thể diễn ra trong những tháng tới, vì Fed không thể sớm “đánh bại” lạm phát, đặc biệt khi giá tiêu dùng đã tăng đến 8,6% trong tháng Năm vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa thấy có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Trên thực tế, dù vẫn còn xa vời nhưng khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới đã tăng lên sau báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm nói trên.
Ông Todd Lowenstein, giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng tư nhân của Union Bank, cho rằng Fed cần thể hiện quyết tâm trong việc giải quyết tình hình lạm phát dai dẳng này, vì thế khả năng cao ngân hàng này sẽ phải tăng lãi suất nửa điểm phần trăm trong hai cuộc họp sắp tới.
Nhưng ông Lowenstein thừa nhận ngày càng có nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu Fed có giảm tốc độ nâng lãi suất, hay thậm chí là tạm dừng lộ trình này trong một lần họp sau đó trong năm nay để đánh giá tác động của lãi suất gia tăng đối với nền kinh tế. Thường sẽ có một độ trễ giữa thời điểm Fed công bố nâng lãi suất và thời điểm quyết định chính sách này thực sự làm chậm hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Nhưng chắc chắn là khả năng Fed tạm dừng nâng lãi suất sẽ giảm xuống sau báo cáo lạm phát tháng Năm nói trên. Trên thực tế, giới giao dịch hiện danh đánh cược rằng xác suất Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Bảy là 40%.
Nhưng không phải ai cũng cho rằng Fed cần phải hành động mạnh mẽ đến như thế, vì ngân hàng này đã bắt đầu quá trình thắt chặt định lượng, vốn cũng có thể kìm hãm nhu cầu tiêu dùng bằng cách đẩy lãi suất dài hạn lên cao hơn.
Cũng có những ý kiến khác lo ngại rằng các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed sẽ không giúp kiềm chế lạm phát được, nhất là khi phần lớn việc tăng giá là do giá năng lượng tăng cao, vốn phụ thuộc nhiều vào những diễn biến của xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na), mà điều này lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của Fed.