Theo kênh CNN, kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Các nhà nghiên cứu Cambridge đã hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học California Santa Cruz, cũng như Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland trong nghiên cứu này. Nghiên cứu tập trung vào sông băng Store, một phần băng lớn thuộc dải băng Greenland.
Theo đó, tốc độ tan chảy chưa từng có xuất hiện ở phần dưới cùng của dải băng và do một lượng lớn nước chảy xuống từ bề mặt gây ra.
Khi nước tan chảy trút xuống dưới, thế năng hấp dẫn chuyển thành động năng, cuối cùng sẽ làm nước ấm lên khi đọng lại ở đáy dải băng.
Trong quá trình đó, nghiên cứu phát hiện ra rằng băng ở Greenland tạo ra nhiều năng lượng hơn 10 đập thủy điện lớn nhất thế giới cộng lại. Ông Poul Christoffersen, nhà khoa học cấp cao tại Đại học Cambridge, nói: “Tuy nhiên, nhiệt tạo ra do nước chảy xuống không được sử dụng để tạo ra điện. Thay vào đó, nó làm tan chảy băng”.
Trong những tháng ấm hơn, băng tan chảy rồi đọng lại thành hồ và suối trên bề mặt của dải băng. Một phần nước chảy xuống đáy dải băng qua các vết nứt và vết đứt gãy lớn. Các vết này hình thành trong băng khi có chuyển động và áp lực.
Lượng nước đó góp phần làm băng tan chảy nhiều hơn ở phần dưới cùng và nó cũng như chất bôi trơn thúc đẩy dòng chảy nhanh hơn, tăng lượng băng trôi ra đại dương.
Theo ông Christoffersen, khi nghiên cứu hiện tượng băng và sông băng tan chảy từ đáy, các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào các nguồn nhiệt bên ngoài.
Ông nói: “Nhưng những gì chúng ta chưa thực sự xem xét là nhiệt tạo ra từ chính nước băng tan chảy. Có rất nhiều năng lượng tích trữ trong nước đọng trên bề mặt băng, và khi chảy xuống, năng lượng phải đi đâu đó”.
Dải băng ở Greenland lớn thứ hai trên thế giới và là nguyên nhân lớn nhất khiến mực nước biển toàn cầu tăng.
Ông Christoffersen nói: “Băng ở Greenland đang tan trên bề mặt nhanh hơn lượng tuyết rơi, do đó băng mất khá nhiều vì quá trình tan chảy. Ở một phần đáng kể của dải băng, chúng ta thấy tốc độ tan chảy có thể lên đến 5 hoặc 6cm một ngày”.
Tuy nhiên, việc xách định trực tiếp các điều kiện tại đáy băng cách bề mặt khoảng 1km gặp nhiều thách thức, đặc biệt là ở Greenland, nơi các sông băng nằm trong số những sông băng di chuyển nhanh nhất thế giới.
Để đo tốc độ tan chảy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật đo độ dày băng do Khảo sát Nam Cực của Anh phát triển. Đó là một phương pháp trước đây đã được sử dụng trên các dải băng nổi xung quanh Nam Cực.