Theo nghiên cứu, kể từ năm 1992, những khối băng có độ dày lên đến 3 km tại một số điểm ở Greenland đã tan chảy lượng đá tương đương 3,8 nghìn tỷ tấn, đủ để làm tăng thêm 1,06 cm mực nước biển. Điều này cho thấy tỷ lệ băng tan đã tăng từ mức trung bình 33 tỷ tấn/năm trong những năm 1990 lên 254 tỷ tấn/năm trong 3 thập kỷ qua. Các nhà khoa học lo ngại rằng việc nóng lên toàn cầu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra đã đẩy các khối băng đến "ngưỡng không thể quay trở lại", thậm chí có thể gây hậu quả thảm khốc cho nhân loại.
Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2013 đã đưa ra dự báo rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng, mực nước biển sẽ tăng 60 cm vào năm 2100, và có thể khiến 360 triệu người đối mặt với tình trạng lũ lụt hằng năm ở các vùng duyên hải do nước biển dâng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất, tình trạng băng tan nhanh hơn dự kiến tại đảo Greenland phù hợp với kịch bản Trái Đất nóng lên IPCC đưa ra, sẽ làm tăng thêm 7 cm so với con số 60 cm trên.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, Giáo sư Andrew Shepherd của Đại học Leeds ở Anh cho rằng: "Theo quy luật tự nhiên, cứ mỗi cm mực nước biển toàn cầu tăng, có thêm 6 triệu người phải đối mặt với lũ lụt ven biển. Theo xu hướng hiện nay, băng tan tại riêng đảo Greenland có thể khiến 100 triệu người dân phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi năm vào cuối thế kỷ. Vì vậy sẽ có tổng cộng 400 triệu người phải đối mặt với tình trạng lũ lụt do nước biển dâng trên toàn cầu". Theo ông Shepherd, đây là những hiện tượng hoàn toàn có thể xảy ra với những tác động không hề nhỏ, thậm chí có thể tàn phá nhiều cộng đồng dân cư sống ở ven biển.
Tiến sĩ Louise Sime, nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu của của Anh, cho biết nếu tỷ lệ băng tan tiếp tục gia tăng, rất có thể những đầu cực sẽ bị tan nhanh hơn chúng ta nghĩ. Theo nghiên cứu, một nửa khối lượng băng tan là do sự tan chảy trên bề mặt, nửa còn lại do dòng chảy sông băng gia tăng do nhiệt độ các đại dương ấm lên.