Trong lá thư gửi tới các nhà đầu tư, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Mỹ (Bank of America), Michelle Meyer nêu rõ nền kinh tế Mỹ đang “chìm sâu” vì sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Lá thư có đoạn nêu rõ: “Chúng tôi chính thức tuyên bố nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái… cùng với cả thế giới. Kinh tế đang chìm sâu. Công việc sẽ biến mất, thịnh vượng sẽ bị hủy hoại và niềm tin phai nhạt”.
Theo bà Michelle Meyer, “dù đợt suy thoái hiện nay là nghiêm trọng, song chúng tôi tin tưởng nó sẽ diễn ra trong thời gian ngắn”. Giải pháp cho sự giảm tốc kinh tế là việc khiển khai hành động kích cầu kinh tế một cách mạnh mẽ trong vài tuần tới.
Tuyên bố trên của bà Meyer, chuyên gia hàng đầu của Bank of America, là một trong những cảnh báo nghiêm trọng nhất về thực trạng của nền kinh tế số một thế giới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thừa nhận Mỹ có thể “phải đương đầu” với một cuộc suy thoái, song ông giảm nhẹ các rủi ro mà thị trường chứng khoán đang đối mặt.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Đại học Chicago, hầu hết các chuyên gia kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều dự đoán sẽ xảy ra một đợt suy thoái do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổ chức Sáng kiến về các thị trường toàn cầu của Trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, đã tiến hành khảo sát ý kiến của 74 chuyên gia kinh tế về khả năng xảy ra một đợt suy thoái lớn. Theo đó, 62% các chuyên gia Mỹ và 82% các chuyên gia châu Âu tham gia khảo sát cho rằng có thể sẽ xảy ra một đợt suy thoái.
Theo globaltimes.cn, Mỹ đang rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế, điều này có thể thấy thông qua tình trạng rối loạn của thị trường chứng khoán. Nếu sự hoảng loạn của thị trường tiếp tục tăng lên, thì chứng khoán Mỹ có thể còn lao dốc sâu hơn nữa tình trạng có thể sẽ xấu như cuộc Đại suy thoái giai đoạn 1929-1930. Với sự sụp đổ của thị trường chứng khoản, thì tiêu dùng, khả năng thanh toán và thuê nhân công của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, doanh nghiệp phá sản và chi tiêu hộ gia đình sụt giảm.
Ngày 17/3 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trải qua một ngày giao dịch tồi tệ khi chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 1987, bất chấp việc giới lập pháp và chính quyền Mỹ có những bước đi chưa từng có nhằm giảm thiểu những tác động xấu do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho nền kinh tế số một thế giới.
Trước "cơn gió độc" COVID-19 nền kinh tế đang phải đối mặt, ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản về gần 0% để hỗ trợ nền kinh tế nước này.
Thông báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho hay ngân hàng này quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% hiện nay xuống còn 0-0,25%. Đây là lần đầu tiên FED quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vốn có lịch sử hình thành chưa đầy 110 năm.
FED cũng thông báo sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính nhằm làm dịu bớt những căng thẳng tài chính do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong những ngày qua. Ngày 17/3, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ hối thúc quốc hội thông qua một gói kích cầu khẩn cấp trị giá 850 tỷ USD để giúp kinh tế vượt qua những khó khăn hiện nay.