Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra tờ báo này muốn đánh lừa độc giả về khả năng hiện tại của trí tuệ nhân tạo (AI) và có thể đây là mục đích thực sự của họ khi viết bài báo này.
Theo kênh truyền hình RT, tên tác giả của bài viết trên được ký là GPT-3 – một công nghệ tân tiến khai thác lĩnh vực học máy để sản xuất ra các bài viết như con người.
Trong khi báo Guardian ghi tiêu đề khẳng định họ đã yêu cầu thuật toán “viết một bài luận từ đầu đến cuối” song khi đọc bài, độc giả phát hiện ra quá trình hình thành bài viết phức tạp và có sự can thiệp của con người.
Ngay từ đầu, cỗ máy đã được nhập yêu cầu “tập trung viết về lý do tại sao con người không nên sợ AI”. Sau khi robot viết khoảng 8 đoạn nhỏ được Guardian miêu tả là “độc đáo, thú vị và đưa ra nhiều quan điểm khác biệt”, những nhà biên tập kỳ cựu của tòa soạn đã lựa chọn “những phần hay nhất trong mỗi đoạn” để tạo thành một bài viết hoàn chỉnh.
Mặc dù Guardian cho biết đội ngũ biên tập mất thời gian sửa bài cho GPT-3 ít hơn so với sửa bài do người viết song giới chuyên gia công nghệ và nhiều phóng viên vẫn lên tiếng phản đối, cáo buộc tờ báo này đã "thổi phồng" vấn đề và giật tít câu view.
Bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội Twitter, biên tập Joe Stanley-Smith của trang mạng Bloomberg cho biết bài viết có sự chỉnh sửa, cắt ghép của nhóm biên tập Guardian nhưng lại đặt tiêu đề gây hiểu lầm “hoàn toàn do robot viết” là một sự thổi phồng câu chuyện.
“Chính xác là vậy. GPT-3 viết 8 đoạn văn khác nhau. Các nhà báo tại Guardian lựa chọn những phần hay nhất trong đó rồi ghép lại, biên tập thành một bài báo hoàn chỉnh. Điều này không giống với tít ‘hệ thống AI hoàn toàn viết bài báo này’,” nhà nghiên cứu khoa học Martin Robbins chia sẻ suy nghĩ, cáo buộc Guardian lừa đảo độc giả về khả năng thực sự của AI. Ông nói: “Xem họ lừa đảo để người đọc tin rằng thuật toán của một công ty công nghệ có vẻ khả thi hơn so với thực tế là một việc không thể chấp nhận được”.