Cụ ông 89 tuổi chia sẻ với phóng viên Al Jazeera: “Tôi đã làm việc tại bưu điện khi mới chỉ 16 tuổi, từ năm 1946”.
Hàng sáng, ông Ngộ đạp xe đến Bưu điện Trung tâm thành phố, treo lên tấm bìa nhỏ có dòng chữ tiếng Anh, tiếng Pháp mang nghĩa “người viết chữ thuê” đặt bên chiếc bàn gỗ để bắt đầu ca làm việc.
Trong 28 năm qua, ông Ngộ đã viết thư tay tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Pháp cho hàng nghìn người. Ông từng có 3 đồng nghiệp nhưng đến nay họ đều đã sang thế giới bên kia.
Ông Dương Văn Ngộ học tiếng Pháp từ năm 7 tuổi, sau đó đến năm 36 tuổi ông bắt đầu học tiếng Anh. Khi viết thư ông Ngộ đồng thời đảm nhận công việc chuyển ngữ cho khách hàng. Ông bộc bạch: “Bác thấy đi làm thú vị hơn nhiều so với ở nhà. Bác vẫn có thể phục vụ xã hội và công chúng”.
Nhưng ông Ngộ cũng thừa nhận công việc viết thư và dịch của ông không còn phổ biến kể từ khi internet xuất hiện. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Ở đây tôi làm việc trực tiếp với khách hàng”.
Hầu hết khách hàng của ông là du khách. Có một số khách hàng từng gắn bó với ông trong 40 năm vẫn tìm đến người viết thư tay này. Một số du khách đã đề nghị ông Ngộ viết thư gửi cho chính bạn bè và gia đình họ ở nước ngoài.
Du khách Kim Liong (40 tuổi) người Malaysia chia sẻ: “Cảm giác như quay trở về thập niên 60 của thế kỷ trước, những ngày xa vắng. Đó là điều khiến tôi thấy thích việc viết thư tay này. Nếu bạn nhìn vào dòng chữ viết tay, nó thật đẹp”.
Khi phóng viên Al Jazeera đặt câu hỏi ông sẽ làm việc tại bưu điện đến bao lâu, ông Ngộ trả lời: “Bác không biết nữa. Điều này phụ thuộc vào ý Trời”.