Trong trường hợp này, truyền thông xã hội vô hình trung đã "gián tiếp" tiếp tay cho hành vi phạm tội, làm lan truyền những hình ảnh bạo lực, tư tưởng cực đoan. Xét về góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, sự việc này cho thấy tính cấp bách của việc cần phải có những quy định và biện pháp kiểm duyệt nội dung được đăng tải trên các trang mạng xã hội hiện nay.
Trong khi đó, ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi vốn luôn thường trực những mối lo ngại về vấn đề an ninh, năng lực quản lý và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực liên quan đến Internet, không gian mạng và truyền thông xã hội, dường như chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin.
Tại Trung Đông, nhiều nhóm khủng bố và các bên tài trợ đã sử dụng những công cụ, ứng dụng, đặc biệt là các công nghệ để đánh cắp thông tin, thâm nhập vào các hoạt động xã hội hay các trang mạng xã hội để gieo rắc những tư tưởng cực đoan cũng như truyền bá hình ảnh và các hoạt động của chúng.
Đối với các tổ chức khủng bố, các công nghệ liên quan đến mạng xã hội đã trở thành những công cụ thuận tiện để liên lạc với các thành viên, để tuyển mộ thêm các thành viên mới cũng như mở rộng phạm vi hoạt động.
Nguy hiểm hơn, các nhóm khủng bố cũng sử dụng các trang mạng xã hội để huấn luyện các thành viên lên kế hoạch, chế tạo vật liệu nổ, kỹ thuật đánh bom, cách thức tấn công… rồi tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã sử dụng mạng xã hội vào những mục đích nêu trên.
Ngoài ra, vấn nạn tin giả và tin đồn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, WhatsApp hay Instagram, hiện xuất hiện ở nhiều nơi và được lan truyền với tốc độ “chóng mặt” mỗi ngày. Thực tế, người sử dụng các trang mạng xã hội có thể thoải mái viết, công bố hay đưa ra những tin tức, thông tin và những ý tưởng, kể cả những thông tin giả, tin đồn, hay thông tin chưa được kiểm chứng mà có rất ít những quy định hạn chế hành động này.
Theo chuyên gia an ninh Ai Cập Mohamed Abdel Wahed, bên cạnh những mặt tích cực mà công nghệ mang lại, Internet và cuộc cách mạng công nghệ thông tin cũng tạo ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, xuất phát từ những khả năng có thể thực hiện trên không gian mạng.
Chuyên gia an ninh mạng Sherif Hesham cho rằng số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc các loại tội phạm mạng tăng theo.
Ông Mohamed Elgendy, Cố vấn về an ninh và tội phạm mạng của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), cảnh báo truyền thông xã hội đang bị các loại tội phạm lợi dụng.
Theo ông Elgendy, việc truy tìm các tài khoản của những người sử dụng truyền thông xã hội đang gặp khó khăn. Đây là một thực tế đòi hỏi cần có sự hợp tác quốc tế với các công ty công nghệ thông tin hàng đầu.
Ngoài ra, tính chất phức tạp của các loại tội phạm mạng đòi hỏi cần có những thay đổi lớn về luật pháp và các quy định quản lý. Theo chuyên gia an ninh mạng của hãng Man Tech, ông Eric J. Eifert, một khía quan trọng cần được nhắc tới, khiến nhà chức trách nhiều nước lúng túng và gặp khó khăn trong quản lý không gian mạng và truyền thông xã hội, lại xuất phát từ dư luận trong nước không có được nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng liên quan tới vấn đề an ninh mạng. Điều này đòi hỏi có những cách làm thận trọng và đồng bộ, trong đó có việc chuẩn hóa các đạo luật và quy định có liên quan.
Vì lý do an ninh, chính phủ nhiều nước khu vực đang nỗ lực đầu tư và phát triển các công nghệ để kiểm soát các luồng và dòng chảy thông tin trên không gian mạng, đồng thời đặt ra quy định đối với cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng mạng xã hội.
Mới đây, Ai Cập đã ban hành luật chống tội phạm mạng và công nghệ cao. Luật được ban hành nhằm đấu tranh và ngăn chặn những đối tượng tội phạm hoạt động trên không gian mạng, các tổ chức khủng bố, cực đoan sử dụng Internet để tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Luật đề ra những quy định quản lý không gian mạng, trong đó có các nội dung được đưa lên truyền thông xã hội cũng như các hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Chương I của luật đề cập đến các hình phạt, từ điều 14 đến điều 22, về các hành động phạm tội liên quan tới tấn công các hệ thống thông tin. Điều 2 của luật cũng quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cung cấp cho các cơ quan an ninh quốc gia bất kỳ dữ liệu hay thông tin nào mà họ có về những người sử dụng dịch vụ là đối tượng bị tình nghi tuyên truyền những nội dung thông tin có tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội. Điều 20 quy định mức phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 Bảng Ai Cập (LE) và 2 năm tù giam đối với những cá nhân phạm tội tấn công các hệ thống thông tin của nhà nước. Theo điều 7 của luật này, các trang web đăng những tài liệu đe dọa an ninh hay kinh tế của Ai Cập sẽ bị đóng cửa.
Năm 2018, Quốc hội Ai Cập cũng đã thông qua dự luật cho phép giới chức nước này giám sát hoạt động sử dụng mạng truyền thông xã hội trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống "tin tức giả". Luật mới có hiệu lực đối với tất cả các trang thông tin điện tử, blog và các tài khoản mạng xã hội. Theo đó, nhà chức trách Ai Cập có quyền tạm dừng hoặc khóa bất cứ tài khoản mạng xã hội nào "công bố và phát tán tin tức giả mạo hoặc những thông tin kích động bạo lực, hận thù hoặc vi phạm pháp luật".