Trong suốt 40 năm sinh sống ven bờ hồ Tanganyika ở Burundi - hồ nước ngọt lớn thứ hai của châu Phi - bà Amissa Irakoze chưa từng lo sợ nước hồ dâng, dù nước tràn vào nhà, vì sau đó nước lại rút đi. Tuy nhiên, bà Irakoze đã không lường trước được điều xảy ra vào tháng 4/2020. Sau khi kết thúc công việc đồng áng và trở về nhà, bà Irakoze sững sờ khi thấy ngôi nhà của mình chìm trong nước và 10 đứa con của bà mất tích. Rất may sau đó bà đã tìm lại được những đứa con và tất cả đều sống sót.
Hai năm sau đó, nước trong hồ Tanganyika vẫn ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, do lượng mưa lớn bất thường liên quan đến tình trạng ấm lên của Trái Đất. Bà Irakoze và gia đình bà phải sống trong một khu trại tạm bợ phía sau thành phố Gatumba, gần hồ Tanganyika. Việc chuyển đến sinh sống tại khu trại tạm để tránh nước lũ đồng nghĩa trẻ em không được đến trường còn người dân vốn sống dựa vào nông nghiệp không còn kế sinh nhai.
Theo ông Geoffrey Kirenga, Giám đốc tổ chức từ thiện Save the Children chi nhánh tại Burundi, lũ lụt đã nhấn chìm tất cả - từ nhà cửa, trường học, vườn tược, đến hoa màu - biến cả một thị trấn rộng lớn thành thị trấn "ma". Khoảng 65% người dân phải sơ tán do nước hồ Tanganyika dâng cao là trẻ em. Hầu hết các em không còn được đến trường hay được học từ xa và phải làm việc để giúp đỡ gia đình.
Tổ chức Save the Children dự báo tình hình sẽ tồi tệ hơn khi mùa mưa bắt đầu ở Burundi. Bạo lực và xung đột đã khiến hàng trăm nghìn người tại quốc gia châu Phi nhỏ bé nhưng đông dân này phải rời bỏ nhà cửa trong những thập kỷ gần đây. Hiện tại, người dân Burundi vẫn phải sơ tán, song không phải do xung đột mà do thiên nhiên. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), thiên tai là nguyên nhân khiến gần 85% trong số 113.000 người dân Burundi phải sơ tán trong nước. Burundi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên Trái Đất do tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo giới chuyên gia, sự gia tăng lượng mưa hằng năm - đặc biệt là những trận mưa lớn ở khu vực xích đạo - làm gia tăng mực nước trong hồ Tanganyika. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Môi trường Burundi Albert Mbonerane và là một người tích cực vận động bảo tồn hồ Tanganyika cho rằng có một số yếu tố khác có thể dẫn tới tình trạng này. Trong nhiều thế hệ, mực nước trong hồ Tanganyika lên xuống theo chu kỳ. Tuy nhiên, lượng rác đổ vào các con sông cung cấp nước cho hồ này đã tăng mạnh lối thoát nước duy nhất của hồ này - một đường nước chảy vào Congo - có thể đã bị chặn và ngăn mực nước trong hồ rút xuống. Theo ông Mbonerane, kể từ năm 2020, mức nước trong hồ Tanganyika hầu như không thay đổi.