Có tới 10 trong tổng số 35 đài quan trắc thông báo chỉ số chất lượng không khí của thành phố này trong ngày 23/10 ở mức "nghiêm trọng" - mức cao nhất trong thang cảnh báo 6 cấp độ.
Theo hãng thông tấn Press Trust of India, ngày 24/10, các cơ quan chức năng Ấn Độ đã dự báo chất lượng không khí sẽ tồi tệ hơn trong hai ngày tới. Ngoài nguyên nhân khí thải của các phương tiện vận tải và các khu công nghiệp, không khí tại vùng Delhi, bao gồm cả thủ đô, bị ô nhiễm còn là do nông dân tại các bang lân cận là Punjab và Haryana đốt rơm rạ vào mùa Đông sau khi thu hoạch.
Trước thực trạng này, các nhà nghiên cứu cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe Ấn Độ, vốn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, có thể phải chịu thêm áp lực từ các ca bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Chuyên gia Anumita Roy Chowdhury tại Trung tâm Khoa học và môi trường, có trụ sở tại New Delhi, bày tỏ lo ngại không khí ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, cũng như tăng nguy cơ tổn thương do COVID-19. Giới chức y tế thành phố Gurugram cho biết một số bệnh nhân mắc COVID-19 đang hồi phục, nhưng lại tái phát các triệu chứng về đường hô hấp do không khí ô nhiễm.
Tính đến ngày 24/10, số bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ hiện là 7,8 triệu người, cao thứ hai thế giới (sau Mỹ), trong đó 117.956 người đã tử vong.
Đầu năm nay, cư dân Delhi đã có thể hít thở bầu không khí trong lành hơn sau khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh COVID-19 lây lan, qua đó giảm số lượng xe lưu thông trên đường phố cũng như các hoạt động xây dựng.