Ở nhóm tuổi dưới 20, tỷ lệ tự sát là 2,8/100.000 người, mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1978. Tổng số người dưới 20 tuổi tự sát trong năm 2018 đã tăng 32 trường hợp so với năm trước, lên 599 người, bất chấp xu hướng giảm số vụ tự sát nói chung ở Nhật Bản.
Năm ngoái, tỷ lệ tự sát ở mọi lứa tuổi tại Nhật Bản giảm xuống 16,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1978. Số vụ tự sát đã giảm 481 xuống 20.840 vụ, mức giảm năm thứ 9 liên tiếp. Tuy nhiên, số vụ tự sát ở lứa tuổi dưới 20 hầu như không thay đổi kể từ năm 1998.
Trong số những người tự sát ở độ tuổi 10 - 19 với động cơ được xác định được qua lời nhắn mà các nạn nhân để lại, 188 người (33%) là do các vấn đề liên quan tới trường học, 119 người (21%) là do vấn đề sức khỏe và 116 người (20%) là do vấn đề gia đình. Trong lý do liên quan tới trường học, học lực yếu là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đó đến lo sợ trước tương lai và cuối cùng là xích mích với bạn học.
Trong số các học sinh cấp một, nhiều em tự sát là do vấn đề gia đình. Ở nhóm tuổi lớn hơn, lý do phổ biến nhất đối với các học sinh nam là thành tích học tập kém. Trong khi đó, mâu thuẫn với cha mẹ là lý do phổ biến nhất đối với học sinh nữ cấp hai và đối với nữ sinh từ cấp ba trở lên thì lý do hàng đầu là trầm cảm.
Đối với các vụ tự sát ở mọi lứa tuổi ở Nhật Bản, động cơ phổ biến nhất là liên quan tới sức khỏe, tiếp đó là khó khăn về kinh tế và đời sống cũng như trục trặc trong gia đình.
Trong Sách Trắng 2019, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần phải kiểm tra tác động của các biện pháp ngăn chặn tự tử và xem xét lại các biện pháp này cũng như giám sát chặt chẽ tình hình của lớp trẻ.
Theo các biện pháp phòng ngừa tự sát được thông qua năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỉ lệ tự sát từ 13% trở xuống vào năm 2026.